Bài 2: Hiệu quả nhờ sự quyết liệt
Bài liên quan
Tìm lại sân chơi cho các khu tập thể - “Cuộc chiến” dai dẳng - Bài 1: Biến sân chung thành của riêng
Điểm sáng trong bức tranh tối
Tới khu tập thể trong phố Vĩnh Hồ, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, không ít người ngỡ ngàng trước không gian tươi mới mà các khoảng sân chung mang lại. Hai năm trước, các sân chung giữa nhà B5 - B6, A1 - A2… là nơi họp chợ, trông xe, bãi rác để người dân vứt bỏ những vật dụng dư thừa, thậm chí nuôi thả gà, thì nay như được “lột xác”. Cùng với việc cắt tỉa cây tạo không gian thoáng đãng, các sân chung được lát gạch mới, xây tường bao, trồng hoa xung quanh. Nơi đây cũng được lắp đặt hàng loạt thiết bị rèn luyện thể thao thu hút người dân tại chỗ và khu vực lân cận tới rèn luyện sức khỏe. Một góc các khoảng sân được bố trí làm nơi vui chơi cho trẻ em trong khu tập thể với đầy đủ các trò chơi vận động.
Sống tại khu tập thể Vĩnh Hồ hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Mai (khu tập thể A2) không giấu nổi vui mừng trước sự đổi thay của không gian sống nơi đây. Bà cho biết: “Từ khi có sân chơi mới, người dân vô cùng phấn khởi. Các hàng quán kinh doanh tự giác thuê lại mặt bằng các căn hộ tầng 1 làm nơi buôn bán, không còn lấn chiếm khoảng sân chung. Nhiều người dân trong khu tập thể còn tự mua hoa về trang trí quanh sân chơi khiến các khu nhà sáng, sạch đẹp hơn. Chiều chiều, các cụ rủ nhau ra thể dục, lũ trẻ thì có không gian chạy nhảy nô đùa rất vui vẻ. Điều này khiến chúng tôi ngày càng thêm yêu không gian sống của mình”.
Theo khảo sát của Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa, trước năm 2017, trên địa bàn quận có 104 sân chơi, vườn hoa thì đến 70 điểm chưa được lắp đặt các trang thiết bị thể thao, thiết bị vui chơi cho trẻ em. Chưa kể, các sân chơi vườn hoa đều bị lấn chiếm, khiến không gian trở nên nhếch nhác, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng đó, từ năm 2017, UBND quận thực hiện cải tạo sân chơi tại các khu tập thể cũ trên địa bàn. Đến nay đã có hàng chục sân chơi được cải tạo và được đông đảo người dân ủng hộ.
Sân chung giữa nhà A5 - A6 khu tập thể Vĩnh Hồ sau khi được cải tạo. |
Tại phường Kim Giang, giữa năm 2018, sân chơi của khu dân cư số 4 được cải tạo, xây dựng lại. Đây là công trình của Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân, được cán bộ hội viên trong toàn quận hưởng ứng và đóng góp kinh phí 30 triệu đồng để mua sắm thiết bị thể dục thể thao, theo mô hình “sân chơi xanh - sạch - đẹp”. Cũng tại địa bàn phường, sau khi giải tỏa chợ tạm đầu ngõ 64 đường Kim Giang, UBND quận Thanh Xuân đã đầu tư từ ngân sách một tỷ đồng, đồng thời, huy động nguồn xã hội hóa để mua thiết bị, xây dựng sân chơi công cộng rộng 400m2.
Phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Quận đoàn Thanh Xuân thường xuyên tổ chức chương trình nghệ thuật, thể thao và trao tặng thiết bị đồ chơi cho các sân chơi thiếu nhi ở các khu dân cư. Hoạt động này giúp trẻ em có môi trường tốt hơn để vui chơi, sinh hoạt tập thể.
Những không gian vui chơi lành mạnh
Sống trong căn phòng nhỏ thuộc dãy nhà D2A, ngõ 30, phố Lương Định Của, nhìn bọn trẻ sống xung quanh suốt ngày ru rú trong nhà, bà Nguyễn Thị Vần, Tổ trưởng Tổ dân phố số 30, phường Phương Mai luôn canh cánh ý tưởng xây dựng một sân chơi cho trẻ em.
Tháng 10/2014, khi người dân sống tại khu tập thể đã được cấp nước sạch trực tiếp, hai trạm bơm và bể nước đặt tại khu đất đầu hồi nhà không còn được sử dụng, bà Vần đã nảy ra sáng kiến xin chuyển đổi các hạng mục này để làm sân chơi cho trẻ nhỏ.
Việc thực hiện ý tưởng không hề dễ dàng do đặc thù của các khu tập thể nhưng bà Vần vẫn quyết tâm đến từng hộ gia đình thuyết phục. Bà cũng trực tiếp lên UBND phường Phương Mai trình bày nguyện vọng. Được đồng ý hỗ trợ kinh phí đổ bê tông 1/2 khoảng sân (khoảng 5 triệu đồng), bà Vần lại một lần nữa cùng các cán bộ trong chi bộ, tổ dân phố tới từng hộ gia đình, thuyết phục người dân ủng hộ. Cảm động trước sự nhiệt tình của bà, các hộ dân trong khu người thì ủng hộ vài chục, người thì vài trăm ngàn đồng, thậm chí có gia đình ủng hộ tới gần 10 triệu đồng. Sau hơn một tháng, tổng số tiền quyên góp phục vụ xây dựng sân chơi đã lên tới 28,75 triệu đồng. Bà Vần thuê người dỡ bỏ hai trạm bơm, bể chứa nước, xây dựng sân chơi...
Giờ đây, cứ mỗi chiều, khoảng sân chơi trong ngõ 30 Lương Định Của lại không ngớt tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Với diện tích không lớn, khoảng sân chơi được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi cho trẻ em như: Cầu trượt, bập bênh, đu quay, ô tô mô hình... Sân chơi còn được bố trí ghế đá và là nơi để các cụ cao tuổi ngồi thư giãn, đọc sách báo.
Người dân tổ dân phố số 8, phường Kim Liên (quận Ðống Ða) vẫn nhắc mãi câu chuyện về bà Ðinh Thị Thu, người có công lớn trong việc "đòi lại" sân chơi rộng khoảng 600 m2 giữa hai tòa nhà chung cư B12 - B13 mà các hộ kinh doanh lấn chiếm. Để “đòi” lại của chung, đem đến không gian vui chơi, sinh hoạt lành mạnh cho người dân, bà Thu đã đến từng hộ kinh doanh thuyết phục, vận động họ tuân thủ các quy định pháp luật. Bà cũng tự mình khảo sát, lập kế hoạch xây dựng sân chơi rồi nhờ con trai thiết kế theo đúng yêu cầu. Sau đó, bà đến từng hộ dân kêu gọi góp tiền, góp sức xây dựng sân chơi.
Vượt bao khó khăn, từ một khoảng không gian bị lấn chiếm, thường xuyên mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, sân chơi tập thể của tổ dân phố số 8, phường Kim Liên đã trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng lành mạnh. Sân chơi có diện tích khoảng 600m2 đã hình thành, chia thành ba sân nhỏ. Sân thì lắp đặt cầu trượt, xích đu... cho trẻ con vui chơi, sân dành cho trẻ tổ chức múa hát vào các dịp lễ Tết và sân còn lại lắp đặt các loại máy tập thể dục, ghế đá... để mọi người đến rèn luyện, nghỉ ngơi hàng ngày.
Rõ ràng, giữa bối cảnh thiếu thốn không gian sinh hoạt cộng đồng như hiện nay, việc đầu tư, cải tạo những sân chơi như cách làm của bà Đinh Thị Thu, Nguyễn Thị Vần hay sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương như Thanh Xuân, Đống Đa… có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều đó không chỉ giúp gắn kết cộng đồng mà còn làm thay đổi ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, không gian chung.
(Còn nữa)