Bài 2: Đánh thức “Nàng công chúa ngủ quên”
Dây chuyền sản xuất gỗ ván MDF ở Nghĩa Đàn
Bài liên quan
Phát triển miền Tây xứ Nghệ - Bài 1: Tiềm năng và thách thức
Nỗ lực lớn
Năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định 2355/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Đây được xem là sự quan tâm lớn của Đảng và nhà nước dành cho miền Tây Nghệ An.
Không chỉ vậy, tỉnh Nghệ An còn ban hành nhiều đề án, quy hoạch nhằm phát triển miền Tây tương xứng hơn. Đó là “Đề án Phát triển kinh tế rừng Nghệ An giai đoạn 2011-2015”, Quyết định 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2013 “Về việc phê duyệt quy hoạch cho dự án bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An”, “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2009-2020 và một số đề án khác về phát triển kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An…
Nhà máy thủy điện bản Vẽ ở Tương Dương |
Từ những chủ trương, chính sách này, các dự án được đầu tư vào miền Tây ngày càng nhiều hơn. Tính đến thời điểm hiện nay, vùng miền Tây đã thu hút được 163 dự án với 64.100 tỷ đồng vốn đăng ký. Nhiều dự án sản xuất quan trọng đã hoàn thành và đi vào hoạt động đã góp phần tạo lực đẩy mạnh mẽ, là đầu tàu “kéo” các huyện miền Tây vào “guồng” như nhà máy chế biến sữa của Công ty CP thực phẩm TH, Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Anh Sơn; các nhà máy chế biến đá trắng, đá xẻ, đá ốp lát ở Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 638,5MW đã phát điện, dự án xi măng sông Lam 2 của Tập đoàn Vissai ở Anh Sơn, 11 dự án thuỷ điện đang triển khai…
Điểm nhấn rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội vùng miền Tây là đã hình thành được các cực tăng trưởng kinh tế như Nghĩa Đàn-Quỳ Hợp, Con Cuông-Anh Sơn… Xung quanh các cực tăng trưởng này là những vùng kinh tế năng động đang trỗi dậy.
Điều rất đáng ghi nhận là đã xuất hiện nhiều cụm, khu công nghiệp và đang ngày càng phát triển ở miền Tây. Các KCN, cụm công nghiệp như Tri Lễ (Anh Sơn), Nghĩa Đàn, Sông Dinh (Quỳ Hợp), Tân Kỳ… đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và đang kêu gọi thu hút đầu tư mạnh mẽ. Đây là dấu hiệu tốt để tăng thêm cơ hội việc làm và sản phẩm hàng hoá ở miền Tây. Bằng chứng là đã có nhiều dự án lớn đã đầu tư như: Nhà máy Sản xuất gỗ ván sợi MDF có tổng vốn đầu tư 2.180 tỷ đồng tại KCN Tri Lễ (Anh Sơn), Dự án Bảo tồn và Phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững; chế biến hoa quả ở Nghĩa Đàn, một số dự án du lịch ở Con Cuông như du lịch cộng đồng ở Bản Nưa, du lịch trải nghiệm thác Khe Kèm... gắn với khách sạn Mường Thanh - Con Cuông làm điểm nghỉ dưỡng.
Dây chuyền sản xuất của nhà máy sữa TH |
Trong khoảng thời gian từ 2013 đến nay, kể từ Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 2355/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, tăng trưởng kinh tế vùng miền Tây đã có sự chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2018 trên địa bàn miền Tây Nghệ An ước đạt 8,4%, cao hơn bình quân chung của cả tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách tăng khá; thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh; nông nghiệp phát triển khá toàn diện, hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm xây dựng; trật tự an toàn xã hội ổn định… Đây là tín hiệu khởi sắc, là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của các cấp ủy chính quyền tỉnh Nghệ An và các địa phương vùng miền Tây.
Tại hội thảo khoa học “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An nêu ý kiến: những gì mà miền Tây đạt được còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hiện có. Những lợi thế của miền Tây nếu không khai thác và phát huy hết sẽ rất lãng phí và sẽ biến miền Tây thành “vùng trũng trì trệ”.
Có nóng vội?!
Đã từng có thời điểm, cả miền Tây xứ Nghệ như một đại công trường ầm ào suốt cả ngày. Trên vùng đất Phủ Quỳ; các công ty khai khoáng ở Quỳ Hợp san núi, xẻ đá; những nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na…, công nhân thi công bất kể ngày đêm để kịp tiến độ. Bức tranh kinh tế ấy, dù chỉ cảm nhận bằng tưởng tượng thôi cũng đủ để thấy miền Tây đang chuyển mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, miền Tây vẫn tồn tại những hạn chế như: kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô kinh tế còn nhỏ, tính liên kết thấp, hiệu quả chưa cao; nhiều dự án triển khai chậm so với yêu cầu; khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản vẫn còn xảy ra… Trong 27 chỉ tiêu quan trọng mà Quyết định 2355 đề ra, có 8 chỉ tiêu dự báo đến 2020 khó đạt.
Tuy nhiên, có một điều mà rất nhiều người đang băn khoăn đặt câu hỏi: có phải vì nóng vội muốn đẩy nhanh việc phát triển kinh tế ở miền Tây mà ở từng thời điểm, đã có những kế sách, chủ trương chưa thật chín muồi, làm theo kiểu phong trào? Nhiều dự án, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho miền Tây đã không thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
Quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Nghĩa Đàn |
Cây chanh leo ở Quế Phong từng là cây “đổi đời” của đồng bào Mông, Thái ở Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Nậm Giải… nhưng nay đang “lụi” tàn dần; cây chè ở xã Tái định cư Thanh Sơn (Thanh Chương) cũng đang bị người dân “ngoảnh mặt”, một số dự án chuối, đinh lăng ở Con Cuông… cũng chịu chung số phận. Rồi bức tranh kinh tế ở một số Khu công nghiệp công nghệ cao vẫn đang rất ảm đạm khi mà đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đã có chính sách mời gọi, thu hút đầu tư nhưng dự án vẫn “không về”; thậm chí, một số dự án là mang danh là sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng không phát huy hiệu quả mong muốn. Cá biệt, có nhiều dự án sau thời gian rầm rộ triển khai, nay đang lụi tàn và đang trở thành phế tích. Điều rất đáng lưu tâm, cho dù phát huy hiệu quả thì một số dự án vẫn rất khó nhân rộng.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính tư duy ỷ lại, phá vỡ hợp đồng liên kết, trình độ canh tác thụ động… đang là những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện một số dự án, chương trình phát triển kinh tế vùng miền Tây thất bại. Song, có một nguyên nhân không thể không nhắc đến chính là vai trò của chính quyền địa phương chưa tốt, quá trình rà soát, lựa chọn mô hình còn yếu kém…
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam từng đánh giá rằng: Nhìn vào thực tế bức tranh miền Tây xứ Nghệ thì rất đáng buồn. Thu nhập bình quân của khu vực miền Tây chỉ đạt 26,5 triệu đồng/người/năm và bằng 70% thu nhập bình quân của cả tỉnh. Đó là nguyên nhân chính kéo thấp thu nhập chung của cả tỉnh đi xuống.
Theo ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, tỉnh cần phải nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn những gì đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Quyết định 2355/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020” để rút ra bài học thực tiễn.