Bài 2: Chung ý chí và trách nhiệm
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt cách ly thôn Hạ Lôi
Bài liên quan
Quyết tâm chặn dịch của thành phố, lan tỏa trách nhiệm tới mỗi trái tim người dân
Hà Nội phòng chống dịch Covid-19: Quyết liệt và lan tỏa
Những cuộc "truy vết thần tốc" trắng đêm
Quận Ba Đình là nơi xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội. Vào thời điểm ấy, khó có thể hình dung hết sự lo lắng, áp lực của chính quyền địa phương khi ca bệnh đầu tiên của Việt Nam lại xuất hiện trên địa bàn mình quản lý. Nhất là khi Hà Nội chưa từng có kinh nghiệm đối phó với dịch.
Tuy nhiên, chỉ trong đêm 6/3, các lực lượng chức năng trên địa bàn quận Ba Đình đã phối hợp với lực lượng của thành phố triển khai rà soát và thực hiện cách ly toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Người nhà của người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng được rà soát và triển khai khai cách ly.
Quận cũng tiến hành trích xuất camera khu vực để một lần nữa xác minh xem bệnh nhân có đi ra ngoài, tiếp xúc với người dân trong khu vực hay không. Đồng thời, thành phố thực hiện việc phun khử khuẩn tại những nơi người tiếp xúc gần sinh sống, tổ chức cách ly tại dãy nhà gần nơi bệnh nhân ở.
Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được các ổ dịch, việc vốn rất khó thực hiện nếu không có những đêm “truy vết thần tốc” chạy đua với thời gian của các lực lượng chức năng địa phương.
Đến 9h ngày 7/3, khi phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội diễn ra để họp bàn giải pháp sau ca bệnh đầu tiên, thành phố đã cách ly 33 người đã tiếp xúc gần và 90 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân, chờ kết quả xét nghiệm 2 trường hợp nghi ngờ.
Những thông tin mà chính quyền địa phương thu thập được trong đêm, đã giúp chính quyền thành phố tận dụng được "thời gian vàng" kiểm soát mọi vấn đề, đưa ra những quyết sách kịp thời. Trong đó, thành phố đặc biệt lưu ý hai khu vực là nơi phát sinh dịch ở phố Trúc Bạch và Bệnh viện Hồng Ngọc; cho học sinh tiếp tục nghỉ học; hoãn tất cả các lễ hội, hội họp không cần thiết ở tất cả các cơ quan của thành phố để tập trung cho công tác phòng chống dịch.
Khi hai nữ y tá tại Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện dương tính với Covid-19, ngay trong đêm 28/3, UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) đã gửi thông báo đến các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực để cùng rà soát, thông báo và hướng dẫn cho người dân trên địa bàn liên lạc với trạm y tế phường điều tra dịch tễ, có biện pháp cách ly tùy từng trường hợp. Đồng thời, quận tổ chức phát thanh ngày 4 lần trên hệ thống loa phường để thông tin đến từng người dân.
Lực lượng y tế làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát Quốc lộ 5 |
Nhờ đó, chỉ sau một buổi sáng kiểm tra, rà soát, đã có hơn 100 trường hợp liên hệ trực tiếp với UBND phường để khai báo các thông tin liên quan tới việc ra vào Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 28/3. Đồng thời, phường Phương Mai cũng rà soát, xác minh được 19 trường hợp là bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và tiến hành điều tra dịch tễ, ra quyết định cách ly đối với 15 trường hợp còn lưu trú trên địa bàn phường.
Tại huyện Mê Linh, sau khi bệnh nhân 243 được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, huyện đã họp và mời Giám đốc CDC Hà Nội, Sở Y tế tính toán, điều tra, xác minh tình hình dịch bệnh tại đây và quyết định cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với dân số 10.873 người.
TP Hà Nội cũng đã nhanh chóng phối hợp thông tin với các địa phương, tổ chức khác để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, thành phố tổ chức xử lý phòng chống dịch tại Bệnh viện Thận Hà Nội và xác minh các trường hợp F1 liên quan tới bệnh nhân mới nhất ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín.
Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được các ổ dịch, việc mà ai cũng biết sẽ khó thực hiện nếu không có những đêm “truy vết thần tốc” chạy đua với thời gian để truy tìm từng trường hợp có nguy cơ mắc bệnh của các lực lượng chức năng địa phương.
Lực lượng dân quân tự vệ vận chuyển lương thực cho người dân tại chốt cách ly |
“Cánh tay nối dài” chặt nguồn lây nhiễm
Bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đã tập trung cao độ cho nhiệm vụ quan trọng này với nhiều cách làm bài bản và dựa trên những cơ sở khoa học tin cậy. Trong đó, Hà Nội đã làm tốt công tác cách ly y tế và chủ động với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã được thành lập đến cấp phường, xã, thị trấn, huy động sự tham gia của đông đảo hội viên cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… Dưới sự lãnh đạo xuyên suốt từ Thành ủy, UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã, đội ngũ bí thư chi bộ, cán bộ tổ dân phố, trưởng thôn, công an khu vực, hội viên cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… ngày đêm bám địa bàn để tuyên truyền phòng dịch; nắm bắt dư luận xã hội.
Cũng như bao công việc không tên khác ở địa bàn dân cư, họ thực sự là cánh tay nối dài của các cấp chính quyền, giúp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hiệu quả.
Cùng với đó, để hạn chế thấp nhất sự xáo trộn cuộc sống của người thuộc diện cách ly, việc lo nhu yếu phẩm cho những gia đình này cũng được các thành viên chú trọng.
Bà Ngô Thị Hảo (đảng viên chi bộ khu dân cư số 8, phường Phúc Xá, quận Ba Đình) cho biết, bên cạnh việc lồng ghép việc phòng, chống dịch Covid-19 vào sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, để hạn chế việc tập trung đông người, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng bảng tin khu phố để kịp thời cung cấp thông tin đến nhân dân được đẩy mạnh.
“Nhiều gia đình có người từ nước ngoài về đều được nhân dân báo đến chi bộ, tổ dân phố nên việc rà soát những trường hợp cần cách ly rất hiệu quả", bà Ngô Thị Hảo chia sẻ.
Đoàn viên, thanh niên vận chuyển lương thực được hỗ trợ vào điểm cách ly |
Cùng với các lực lượng chức năng, thanh niên Thủ đô đang không quản ngày đêm, mưa nắng túc trực tại các điểm cách ly với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tô thắm hình ảnh "áo xanh tình nguyện" trong mắt người dân.
Túc trực tại điểm chốt cách ly thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Nguyễn Đức Hải (đoàn viên xã Mê Linh) cho biết: "Công việc trực chốt rất có ý nghĩa trong công tác phòng chống dịch, để cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan. Bản thân tôi ý thức được rằng, thái độ và hành động có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến những nỗ lực cố gắng của chính quyền. Vì vậy, quá trình làm việc tôi luôn tự nhắc nhở phải có hành động lời nói đúng mực, khéo léo, để mọi người dân thêm tin tưởng vào các cấp chính quyền”, Hải chia sẻ.
Ngày 3/4, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Chỉ thị số 31-CT/TU về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô”.
Sau khi Chỉ thị được ban hành, các Sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan, tổ chức đã triển khai quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời với phương châm “4 tại chỗ”. 14, quận, huyện đã tiếp tục ban hành chỉ thị riêng để thực hiện Chỉ thị 31, còn lại ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị này.
Nhờ đó, qua 2 tuần, thành phố Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt, chủ động ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Các hoạt động kinh tế theo Chỉ thị số 16 vẫn được duy trì; hàng hoá, giá cả, trật tự an toàn, an ninh xã hội cơ bản ổn định, các phong trào xã hội được nhân rộng.
Hệ thống chính trị cơ sở phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên từng địa bàn. Đại đa số nhân dân Thủ đô tự giác thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.
(Còn nữa)