Bài 1: Phủ sóng trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến
Nhân viên bộ phận một cửa UBND quận Hai Bà Trưng hướng dẫn người dân kê khai thủ tục hành chính.
Hà Nội hiện có 1.055 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đạt 55% thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai. Việc đẩy mạnh ứng dụng DVCTT đã và đang đem lại những kết quả rõ nét trên nhiều mặt, đặc biệt trong việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Phát triển dịch vụ công trực tuyến
Năm 2016, để làm nền tảng cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ www.egov.hanoi.gov.vn. Đây là địa chỉ tích hợp duy nhất trong việc cung cấp DVCTT của toàn thành phố để cung cấp kết nối với phần mềm một cửa điện tử và liên thông với quá trình xử lý nghiệp vụ của từng TTHC. Đồng thời, đây là kênh tiếp nhận ý kiến góp ý, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC. Trên cơ sở đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, thành phố tập trung triển khai thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, cung cấp DVCTT trong lĩnh vực khai sinh, khai tử.
Ngay trong năm, việc triển khai DVCTT mức độ 3 đã được thực hiện thí điểm tại 24 phường trên địa bàn hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, DVCTT thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức và hiệu quả trong việc triển khai, ứng dụng CNTT của toàn thành phố.
Qua thời gian vận hành thí điểm, DVCTT mức độ 3 đã được phủ sóng ra tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn thành phố. Hà Nội tiếp tục thí điểm DVCTT mức độ 4 tại ba đơn vị: Sở Tư pháp, UBND quận Long Biên, quận Bắc Từ Liêm. Tháng 8/2018, 17 quận, huyện trên địa bàn thành phố chính thức triển khai DVCTT mức độ 4 về hộ tịch.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã có 1.055 DVCTT (trong đó có 916 DVCTT mức độ 3 và 139 DVCTT mức độ 4) bao gồm các DVCTT tiếp nhận từ các Bộ, ngành, các DVCTT do đơn vị tự triển khai và thành phố triển khai trên Cổng dịch vụ công dùng chung. Hiện, 761 DVCTT đang vận hành chính thức và 294 DVCTT đã xây dựng, đang vận hành thử nghiệm.
Đáng lưu ý, mức độ giải quyết hồ sơ trực tuyến đã đạt 98 - 100% với 500.000 hồ sơ được xử lý qua mạng, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, nửa triệu hồ sơ trực tuyến đã được thực hiện, việc lưu trữ quản lý đạt hiệu quả cao và thuận tiện hơn cho người dân.
Chất lượng TTHC được cải thiện rõ nét
Nhớ lại những ngày đầu triển khai DVCTT mức độ 3, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến mất khá nhiều thời gian. Các cán bộ bộ phận “một cửa”, cán bộ tư pháp còn lúng túng vì đường truyền chậm và chưa nắm rõ kỹ năng. Người dân chưa quen với dịch vụ mới khiến nhiều xã, phường khi ấy… “rối như canh hẹ”.
Đồng hành và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo sát sao, hướng dẫn, tập huấn thêm cho đội ngũ cán bộ tư pháp và "một cửa". Với tinh thần “cầu thị”, nhiều địa phương đã cử đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các đơn vị thực hiện thí điểm, nhanh chóng khắc phục những bất cập tại đơn vị mình. Đến nay, sau 3 năm, việc thực hiện DVCTT mức độ 3 đã được thực hiện “trơn tru”, tỷ lệ TTHC của các địa phương, đơn vị đều đạt cao, được người dân ghi nhận.
Tại khu vực tiếp nhận và giải quyết TTHC, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, người dân tuần tự xếp hàng làm thủ tục. Họ không còn băn khoăn, lo ngại như nhiều năm trước.
Thường xuyên thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng, ông Vũ Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long (quận Hoàng Mai) cho biết, nếu như trước đây, TTHC là một ái ngại đối với doanh nghiệp khi đến các cơ quan công quyền thì nay đã khác. Thay vì mất thời gian từ ngày này qua ngày nọ, thậm chí tuần này qua tháng khác với tinh thần phục vụ chưa cao của cán bộ, công chức, sau thời gian cắt giảm, siết chặt kỷ cương, người dân và doanh nghiệp đang nhận được sự “đối xử” công bằng khi đến làm TTHC.
Đến bộ phận “một cửa” của UBND quận Hai Bà Trưng để nhận bản sao trích lục giấy khai sinh cho con, chị Ngô Thị Thuỷ cho biết đã làm thủ tục đăng ký qua mạng và trong vòng một ngày nhận được kết quả. “Nếu trước đây, muốn đăng ký TTHC phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì nay, với phương thức DVCTT mức độ 3, mọi việc liên quan đến TTHC, tôi có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Thậm chí, tôi có thể đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết quả được trả tận nhà. Việc này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại…”, chị Thuỷ cho biết.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Chánh văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận Hai Bà Trưng là đơn vị đứng đầu thành phố trong việc giải quyết các TTHC, 99% hồ sơ được trả đúng hạn. Trong đó DVCTT ở mức độ 3 đã triển khai 12 dịch vụ thuộc lĩnh vực tư pháp, thông tin truyền thông và quản lý đô thị. Một số TTHC đã được rút ngắn thời gian so với quy định. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể được thực hiện ngay trong ngày; việc chứng thực lĩnh vực tư pháp tại quận và phường cũng được thực hiện ngay trong ngày. Đáng chú ý, việc cấp bản sao trích lục khai sinh, khai tử, kết hôn được thực hiện chỉ trong một ngày.
Những chỉ đạo quyết liệt của thành phố trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách TTHC và tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp đã giảm bớt phiền hà, nhũng nhiều; góp phần thay đổi phương thức quan hệ giữa chính quyền và người dân.
Năm 2019, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% dịch vụ công phải được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó 35% phải thực hiện mức độ 4). Đây được coi như một bước đi quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng thành phố Hà Nội thành Thành phố thông minh.
(Còn nữa)