Bài 1: "Lao dốc không phanh"
Người dân chăn nuôi lợn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) rắc vôi bột phòng dịch tả lợn Châu Phi
Bài liên quan
Thêm 2 tỉnh xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng dịch như chống dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi - Mối nguy cho ngành chăn nuôi Việt Nam
Hà Nội không ghi nhận ổ dịch mới trong hai ngày qua
Hà Nội xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 5 tại Sóc Sơn
Anh Phạm Văn Tạo, chủ trang trại lợn quy mô 300 con ở Tứ Kỳ, Hải Dương (người thường xuyên bán lợn hơi ra thị trường tự do) cho biết: Cuối 2018, đầu 2019, liên tiếp 2 dịch bệnh ở lợn khiến giá lợn lao dốc chưa từng có. Trước Tết, thời điểm giá lợn cao nhất anh xuất chuồng là từ 49.000 - 51.000 đồng/kg lợn hơi. Sau đó, gặp dịch lở mồm long móng ở lợn, giá thịt lợn hơi rớt xuống còn 40.000 - 41.000 đồng/kg. Khi dịch lở mồm long móng tạm khống chế, giá lợn hơi đẹp thời điểm mồng 4, mồng 5 Tết tăng lại như cũ.
Tuy nhiên, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giá lợn hơi đẹp, không mắc bệnh vẫn rớt không phanh, xuống dưới 40.000 đồng/kg và thậm chí có nhà còn cho xuất chuồng ở giá 36.000 - 37.000 đồng/kg, thấp hơn giá hỗ trợ của nhà nước với lợn nhiễm dịch là 38.000 đồng.
Theo anh Tạo, sở dĩ người chăn nuôi bán tống bán tháo lợn lành dưới giá hỗ trợ lợn dịch là do tâm lý lo lắng khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, liên tiếp phát hiện những điểm dịch mới, hễ lợn nhiễm bệnh 100% sẽ chết. Anh lí giải: khi lợn đã đến ngưỡng xuất chuồng mà để lại thì chi phí sẽ tăng cao và không biết lợn có thể nhiễm dịch lúc nào. Nếu lợn không may nhiễm dịch tả châu Phi phải tiêu hủy. Dù được nhà nước hỗ trợ nhưng người nuôi e ngại không biết khi nào được nhận tiền và ngại các thủ tục nên chấp nhận lỗ bán trước. Bản thân anh cũng buộc phải xuất chuồng 60 con lợn hơi ở mức giá chạm lỗ 40.000 đồng/kg.
Tại khu vực Thúy Lĩnh, Hoàng Mai (ổ dịch thứ 3 tại Hà Nội), người dân cho biết, bình thường mức giá xuất chuồng là 47.000 đồng/kg nhưng khi có dịch, giá lợn hơi giảm còn 38.000 đồng/kg. Dù chấp nhận giảm giá, lợn vẫn chưa được phép xuất chuồng.
Bà Mai đang rải vôi bột quanh khu chuồng trại |
Bà Nguyễn Thị Mai, một hộ gia đình nuôi 37 con lợn, cho biết: "Ngay từ khi có thông tin dịch bệnh, nhà tôi đã làm đủ các biện pháp như rải vôi bột, cho lợn ăn chín… theo như khuyến cáo để ngăn dịch. Đến nay, lợn vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì mắc bệnh. Hiện tại, lợn nhà tôi đã quá lứa nhưng vẫn không được phép xuất chuồng. Tôi rất mong nhanh chóng hết dịch để xuất đàn lợn, tránh thiệt hại nhiều hơn".
Vôi trắng đường khu Thúy Lĩnh, Hoàng Mai |
Một chốt kiểm dịch tạm thời |
Trước đó, tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…, người dân cũng bán tháo đàn lợn vì lo lắng dù dịch bệnh chưa xuất hiện ở các khu vực này. Giá lợn hơi tại đây đã bị giảm mạnh xuống còn 43.000 - 45.000 đồng/kg thay vì ở mức từ 52.000 – 54.000 đồng/kg như trước đó. Sợ dịch bệnh lây lan làm chết đàn nên các trang trại có xu hướng bán sớm từ 80-90kg một con thay vì đợi lợn nặng lên 110-120 kg như thời điểm xuất chuồng bình thường.
Theo thống kê, giá lợn hơi toàn miền Bắc ngày 13/3 giảm nhẹ, nằm trong khoảng từ 37.000 đồng/kg đến 45.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở miền Nam cũng giảm từ 1.000 - 2.000 đồng, dao động từ 44.000 - 49.000 đồng. Giá thịt lợn hơi miền Trung giảm mạnh với mức giảm cao nhất lên đến 4.000 đồng/kg, dao động ở mức 38.000 đồng/kg đến 49.000 đồng/kg.
Chị Thúy, một tiểu thương ở Giáp Bát (Hà Nội) cho biết: "Dù giá thịt lợn giảm nhẹ nhưng nhiều người mua vẫn sợ, không dám ăn vì lo lắng dịch tả lợn châu Phi sẽ lây sang người như những thông tin lan truyền trên mạng. Dịch bệnh đã làm sạp hàng của tôi bán chậm chỉ bằng một nửa ngày thường. Nhiều khách quen của tôi đã không mua thịt lợn cả chục ngày nay".
Chị Nguyễn Hải Yến, người dân tổ 28, phố Thuý Lĩnh, Hoàng Mai, chia sẻ: "Người dân cơ bản hạn chế ăn thịt lợn. Bình thường chợ họp có khoảng chục hàng bán, nay chỉ còn 1-2 hàng".
Một quầy thịt lợn ở phường Thúy Lĩnh ngày thường rất đông khách, nay cũng đóng cửa |
Theo các chuyên gia, tâm lý lo sợ khiến hạn chế ăn thịt lợn, đẩy nguồn cung vượt quá cầu làm giá thịt lợn giảm mạnh. Đà giảm giá này sẽ vẫn duy trì trong vài ngày tới cho đến khi có thông tin chính thức về việc Việt Nam kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi.
Trong lúc báo chí liên tục cảnh báo về dịch tả lợn châu Phi, đưa ra những tư vấn của chuyên gia về phân biệt thịt lợn nhiễm dịch và lợn khỏe, các chuyên gia cũng cảnh báo cụ thể về dịch bệnh không lây sang người thì mạng xã hội vẫn còn lan truyền những thông tin sai lệch về dịch bệnh này. Điều này khiến người dân càng hoang mang lo lắng và là một trong những nguyên nhân gián tiếp đẩy giá thịt lợn lao dốc, khiến người chăn nuôi lợn thiệt hại lớn.
Để phòng tránh dịch bệnh lan rộng, cơ quan chức năng khuyến cao người chăn nuôi thực hiện phương châm 5 không:
- Không giấu dịch;
- Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết;
- Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết;
- Không vứt lợn chết ra môi trường;
- Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.