Bắc Giang: Xuất hiện tình trạng chảy máu tài nguyên tại huyện Lục Nam
Người đứng đầu UBND huyện Lục Nam sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi để ra tình trạng đánh cắp tài nguyên quốc gia trắng trợn?
Bài liên quan
Lục Nam - Bắc Giang: Sai phạm khi “xóa sổ” hơn 100 nghìn m2 đất trồng lúa để làm nhà máy gạch
Lục Nam - Bắc Giang: Xử phạt và truy thu gần 1 tỷ đồng vì khai thác đất sét “quá đà”
Bộ Tài nguyên Môi trường bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông
Tái sử dụng nước thải để bảo vệ tài nguyên nước
Có rất nhiều cuộc gọi tới đường dây nóng của Báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh, kêu cứu về tình trạng có một số đối tượng bặm trợn mang máy móc công suất lớn vào đào bới tại khu vực suối 3 Cô thuộc địa phận thôn Tân Mộc, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Hoạt động này diễn ra công khai giữa ban ngày nhưng không hề có cơ quan chức năng xử lý. Hơn thế, xe vận chuyển cát sỏi ra vào nườm nượp gây náo loạn cả khu vực rộng lớn. Đây không khác gì một đại công trường đang khai thác cát sỏi.
Người dân còn cho biết thêm, hiện tại sau những hoạt động khai thác trái phép tài nguyên quốc gia của đám người này, rất có thể sẽ xảy ra nguy cơ sạt lở đất canh tác của các hộ dân xung quanh. Người dân có gửi một số hình ảnh, video về hành động vi phạm pháp luật.
Trước sự việc trên, tháng 11/2018, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu rõ thực hư câu chuyện, tại sao nhóm người này có thể vô tư ăn cắp tài nguyên khoáng sản quốc gia một cách trắng trợn như vậy?.
Chiếc máy xúc công xuất lớn đang móc ruột, moi gan suối Cô Ba để đánh cắp tài nguyên quốc gia. |
Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận được cảnh dòng suối hiền hòa đang bị móc ruột, moi gan một cách không thương tiếc. Đáng chú ý là một chiếc máy xúc công suất lớn màu vàng đang tiến hành cuộc “giải phẫu” lòng suối 3 cô.
Hàng chục phương tiện máy móc khác thì đang mải miết làm việc hết công suất hòng chiếm lấy càng nhiều nguồn tài nguyên quốc gia này càng tốt.
Tất cả hoạt động diễn ra công khai giữa ban ngày, người dân địa phương xung quanh đều biết.
Cát sỏi vốn là loại tài nguyên quốc gia luôn được Chính phủ đưa vào diện quản lý đặc biệt. Việc đánh cắp tài nguyên khoáng sản quốc gia này chắc chắn là hành động vi phạm pháp luật. Nhưng điều khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn là tại sao việc hoạt động ngang nhiên như vậy lại không hề bị chính quyền huyện Lục Nam xử lý? Có hay không việc bao che, nhắm mắt cho qua, bỏ qua vi phạm?.
Sáng 24/11, trả lời báo chí, ông Thân Văn Dàn - Bí thư Huyện uỷ Lục Nam cho biết: “Tôi đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào rồi, tiếp cận và đình chỉ rồi. Tôi giao Uỷ ban nhân dân, các lực lượng chức năng vào tận nơi xử lý theo quy định”.
Theo ông Dàn, ông được cấp dưới báo cáo đã cho đình chỉ hoạt động khai thác của đối tượng cát tặc.
Vậy nhưng, theo nguồn tin của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, trong ngày 24/11, hoạt động khai thác, đánh cắp tài nguyên quốc gia vẫn diễn ra bình thường tại dòng suối trên.
Người đứng đầu UBND huyện Lục Nam sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi để ra tình trạng đánh cắp tài nguyên quốc gia trắng trợn? |
Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang là ông Nguyễn Văn Linh đã ký công văn giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ngăn chặn tình trạng vi phạm trong khai thác cát, sỏi lòng sông và tập kết, kinh doanh trái phép cát, sỏi.
Nếu không hoàn thành thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải kiểm điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Với tình trạng trên địa bàn như vậy, Bí thư Huyện uỷ Lục Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước nhân dân và UBND tỉnh Bắc Giang?.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.