Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng là trung tâm logistics cấp quốc tế
Theo báo cáo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh xác định việc tập trung phát triển các trục động lực ven biển dọc sông Thị Vải - Cái Mép kết nối tuyến vận tải thủy của vùng và hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu; kết nối với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ thông qua tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và QL51...
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến trở thành Trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế và Khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải |
Để đáp ứng việc kết nối, phát huy các trục động lực trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra nhiều chính sách như: Ưu tiên bố trí không gian cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cảng biển, logistics.
Cụ thể, đối với hệ thống cảng biển, tỉnh tận dụng và phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực để phát triển cảng, khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng cảng, tăng khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, thúc đẩy tiềm năng trung chuyển quốc tế của Nhóm cảng biển Đông Nam bộ. Ưu tiên quy hoạch khu bến container tại Cái Mép.
Khu bến Thị Vải phát triển bến tổng hợp, hàng rời, lỏng/khí; ưu tiên phát triển các bến cảng tổng hợp để phục vụ chung. Quy hoạch phát triển cảng gắn với tiêu chí “cảng xanh”; nghiên cứu mô hình cảng tự động; đảm bảo yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường, phù hợp phát triển ngành du lịch, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện hữu đã thành lập hoặc đã có trong danh mục quy hoạch |
Quy hoạch phát triển cảng biển và cơ sở hạ tầng sau cảng gắn với Nghị quyết 25 số 24/NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh tăng năng lực hạ tầng bến cảng và hạ tầng kết nối; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng như luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, ưu tiên nạo vét đoạn luồng từ phao “0” vào đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu đến -15,5m cho tàu lớn ra vào thuận tiện. Đồng thời, tỉnh rà soát lại cầu cảng, bến cảng, tận dụng tối đa tài nguyên mặt nước, chiều dài bến đủ tiếp nhận tàu lớn; phát triển các bến sà lan (vận tải nội địa) và bến tàu Feeder (vận tải ven biển) gom và phân phối hàng.
Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu rà soát quy hoạch khu bến cảng Cái Mép Hạ (bao gồm các bến cảng: bến cảng Gemalink; bến cảng tổng hợp Container Cái Mép hạ và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu), tận dụng tối đa vùng nước rộng để bố trí cảng biển nhằm hình thành khu bến cảng hiện đại, tối đa hóa chiều dài bến tiếp nhận tàu trọng tải lớn, cho hàng container chuyên dụng... đáp ứng mục tiêu trung chuyển quốc tế trong tương lai.
Quỹ đất để phát triển ngành công nghiệp - dịch vụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn rất nhiều |
Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư có chiều sâu để nâng cao năng lực khai thác, sử dụng hiệu quả hạ tầng cầu cảng, bến cảng hiện có; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, khai thác cảng biển; khuyến khích các bến cảng cũ, có năng suất bốc dỡ thấp nâng cấp, đổi mới công nghệ, tăng năng suất bốc dỡ, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và toàn bộ miền Nam nói chung.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu mô hình cảng tự động cho khu vực, tỉnh đã triển khai cảng biển Vũng Tàu gắn với việc kết nối đồng bộ hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, đô thị ven biển và các khu công nghiệp lớn trong vùng Đông Nam Bộ và khu vực lân cận.
Ngoài ra, tỉnh kết hợp phát triển hài hòa các bến cảng chuyên dùng hàng rời, hàng lỏng, hàng nông sản... để đáp ứng thông qua các loại hàng hóa của khu vực; rà soát lại cầu cảng, bến cảng, tận dụng tối đa tài nguyên mặt nước, chiều dài bến đủ tiếp nhận tàu lớn; phát triển các bến sà lan (vận tải nội địa), bến tàu Feeder (vận tải ven biển) gom và phân phối hàng cho khu cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phát triển cảng biển cần đảm bảo yếu tố bền vững, gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Gành Rái, khu sinh thái ngập mặn Cần Giờ; đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến tiềm năng du lịch của các tỉnh, thành phố trong khu vực; đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế và khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, thí điểm áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế, để Cái Mép Hạ trở thành khu mậu dịch tự do với chức năng chính là cảng nước sâu trung chuyển quốc tế; công viên công nghiệp gắn với trung tâm logistics đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới; các khu, cụm công nghiệp, dự án công nghiệp trọng điểm bố trí trong vùng chức năng.
Từ các thế mạnh của cảng Cái Mép - Thị Vải, TX Phú Mỹ đang hướng đến là thành phố 3 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Xác định để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tiếp tục phát triển, thu hút đầu tư vào 13 khu công nghiệp (KCN) hiện hữu đã thành lập hoặc đã có trong danh mục quy hoạch các KCN Việt Nam, gồm: KCN Đông Xuyên, KCN Phú Mỹ I, KCN Phú Mỹ II, KCN Phú Mỹ III, KCN Mỹ Xuân A, KCN Mỹ Xuân A2, KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, KCN Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, KCN Cái Mép, KCN dầu khí Long Sơn, KCN Vạn Thương, KCN Mỹ Xuân B1 - Conac Mở Rộng; quy hoạch bổ sung KCN Phú Mỹ tại Cái Mép Hạ.
Tỉnh đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm quốc gia với các ngành công nghiệp chủ yếu: Hoàn thành dự án Tổ hợp hoá dầu Miền Nam giai đoạn I và triển khai dự án giai đoạn II; Nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn, các dự án hạ nguồn sau hoá dầu, kho tiếp vận khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và tái hoá khí thiên nhiên, sản xuất vật liệu cơ bản...
Các cụm công nghiệp trong trục động lực phát triển: Phước Thắng - Vũng Tàu; Long Hương 2 - Bà Rịa, Hồng Lam - Bà Rịa. Từ QL51 đến phía đường Vành đai 4 là không gian phát triển đô thị, nông nghiệp sinh thái đô thị, trung tâm là thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa; tổ chức thực hiện các dịch vụ đa dạng, hiện đại vừa đón nhận tác động lan toả đồng thời hỗ trợ tích cực trở lại hoạt động sản xuất công nghiệp và cảng biển.