Hà Nội thông qua đề án “giao thông thông minh”

16:51 | 19/11/2024
TTTĐ - Việc triển khai Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay; hình thành hệ thống giao thông thông minh của TP theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Thanh toán điện tử thúc đẩy phát triển giao thông thông minh Kỳ vọng giao thông công cộng Hà Nội sẽ chuyển biến mạnh mẽ Xem xét đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội

Trình bày tờ trình của UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Nguyễn Phi Thường cho biết, việc triển khai Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố” sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay. Từ đó, hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo các giai đoạn; đồng thời, là công cụ quan trọng để quản lý, điều hành giao thông.

Hà Nội thông qua đề án “giao thông thông minh”

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Nguyễn Phi Thường trình bày tờ trình của UBND TP

Dự kiến, đề án sẽ triển khai qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2025 - 2027), sẽ hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố. Trung tâm có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 9/12 chức năng.

Về kinh phí, trong giai đoạn 1 thành phố đề xuất 2 phương án. Phương án 1 sẽ thuê toàn bộ dịch vụ với chi phí 392,9 tỷ đồng/3 năm. Phương án 2 là đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê toàn bộ hệ thống các phần mềm và dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống, với kinh phí dự kiến 402,8 tỷ đồng/3 năm.

Trong giai đoạn 2 (2028-2030), sẽ mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng đã hình thành trong giai đoạn 1. Đồng thời, TP hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh. Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông TP tại trung tâm.

Giai đoạn 2 cũng sẽ có 2 phương án kinh phí. Trong đó, phương án 1 sẽ đầu tư hạ tầng phần cứng (đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết bị ngoại vị) kết hợp thuê toàn bộ hệ thống các phần mềm và dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống với kinh phí 1.195,5 tỷ đồng/3 năm. Phương án 2 là thuê toàn bộ (hạ tầng, phần cứng, phần mềm, vận hành, duy tu duy trì…) với kinh phí 1.198,3 tỷ đồng/3năm.

Giai đoạn 3 (từ sau 2030), sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố; kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong TP, đưa Hà Nội trở thành TP có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.

Hà Nội thông qua đề án “giao thông thông minh”
Các đại biểu HĐND TP

Đề án nêu rõ, khung kiến trúc chung của hệ thống giao thông thông minh gồm khung kiến trúc vật lý và khung kiến trúc thông tin. Trong đó, khung kiến trúc vật lý có 4 thành phần chính, bao gồm: Người dùng ITS (người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý), phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.

Hệ thống ITS sẽ có 12 chức năng, gồm: Giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự giao thông, quản lý giao thông công chính, quản lý đỗ xe, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông…

Về kinh phí, phương án 1 sẽ đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê toàn bộ hệ thống các phần mềm và dịch vụ vận hành, bảo trì hệ thống với tổng kinh phí là 2.464,2 tỷ đồng/3 năm. Phương án 2 là thuê toàn bộ (hạ tầng, phần cứng, phần mềm, vận hành, duy tu duy trì...): 2.480,3 tỷ đồng/3 năm

Với số phiếu tán thành cao, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết ban hành Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Thành Lộc

Bản quyền thuộc https://tacnghiep.tuoitrethudo.vn/