Ai chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở 16 Nguyễn Công Trứ?
Điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn
Liên quan tới vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tối 30/7 làm 4 người tử vong tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 15/8, trao đổi nhanh với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, một chỉ huy Công an quận Hai Bà Trưng cho biết, đơn vị này vẫn đang tích cực phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội và các cơ quan chức năng tích cực điều tra nguyên nhân cũng như làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan tới vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng khiến 4 người tử vong tại công trình 16 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội |
Trước đó vào khoảng 19h55 tối 30/7, tại công trình xây dựng số nhà 16 phố Nguyễn Công Trứ, (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 4 người rơi từ tầng 6 xuống vỉa hè trước mặt tòa nhà, tử vong.
Thông tin từ phía cơ quan chức năng, vào thời điểm trên, tại vị trí mặt trước công trình, 4 công nhân đứng trên cầu tời bằng thiết bị sàn treo nâng người. Khi thiết bị này lên đến tầng 6 thì xảy ra sự cố gãy đôi khiến người và vật liệu xây dựng rơi xuống vỉa hè.
Ngay khi nhận được tin báo sự việc, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường và khoanh vùng nguy hiểm. Các cơ quan chức năng cũng đã thống nhất yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công để các bên liên quan thu thập hồ sơ tài liệu, kiểm định… xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Phòng Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra nguyên nhân gây tai nạn, xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng thiết bị sàn treo nâng người; UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn giải quyết sự cố theo quy định.
Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết khắc phục và xử lý sự cố theo quy định của pháp luật; Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình quản lý sử dụng thiết bị để xảy ra sự cố; Chấn chỉnh công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong quá trình thi công.
Tại hiện trường sàn treo nâng người bị gãy làm đôi khiến 4 người rơi xuống vỉa hè |
Những người gặp nạn đều là lao động thời vụ mới làm việc tại công trình này khoảng nửa tháng gần đây với công việc thu dọn kính, nền nhà cho công trình tại số 16 phố Nguyễn Công Trứ. Ngày 30/7, những công nhân này ở lại làm tăng ca thì xảy ra sự việc đau lòng trên.
Liên quan tới vụ tai nạn, ngày 4/8, Cơ quan CSĐT, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về an toàn lao động" khiến 4 người tử vong tại tòa nhà số 16 phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng).
Lực lượng chức năng vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 4 người tử vong ở 16 Nguyễn Công Trứ |
Đã cảnh báo nhưng… vẫn xảy ra
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) khi thi công công trình, đại diện Phòng Việc làm An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết: Căn cứ các quy định của pháp luật, Nghị định của Chính phủ, ngày 9/10/2015 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại thành phố.
Theo đó, quá trình thi công, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn theo các quy định của pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng công trình như che chắn; Tuân thủ các quy định về an toàn sử dụng điện, phòng chống cháy nổ; Sử dụng máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công phải thực hiện theo các quy định pháp luật, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan. Những người tham gia thi công xây dựng trên công trường (kể cả cán bộ quản lý, giám sát thi công) phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định...
“Căn cứ quy định này có thể thấy, để xảy ra tai nạn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Ngoài ra, đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hai Bà Trưng và UBND phường Phạm Đình Hổ cũng có trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị thi công chấp hành nghiêm những quy định về ATLĐ”, đại diện Phòng Việc làm An toàn lao động nói.
Để tìm hiểu nguyên nhân cũng như trách nhiệm xử lý hậu quả vụ tai nạn, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến UBND quận Hai Bà Trưng và phường Phạm Đình Hổ liên hệ lấy thông tin. Tuy nhiên đã 2 tuần qua, phóng viên nhiều lần gọi điện liên hệ với Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ nhưng vị này vẫn im lặng; Phía Văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng cũng không có phản hồi.
Cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để phong tỏa hiện trường, phục vụ điều tra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội |
Trước đó vào ngày 8/6/2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có văn bản đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội triển khai rà soát phòng ngừa tai nạn lao động.
Văn bản nêu, trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, cháy nổ, đặc biệt tai nạn lao động trong thi công xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Luật An toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thi công xây dựng; trong quản lý sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Đặc biệt, người lao động phải được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; Bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định, khai báo các thiết bị an toàn…