Xung đột Nga – Ukraina khiến ngành thủy sản Việt Nam bị “vạ lây”
Doanh nghiệp thủy sản kêu cứu vì không được giảm tiền điện đợt 5 Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020 |
Xuất khẩu cá ngừ sẽ “giảm tốc”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraina đang tác động toàn diện và sâu sắc tới thị trường cá ngừ thế giới, ảnh hướng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, Nga và Ukraina đang là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam tính theo giá trị. Cả hai nước này đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ đông lạnh của Việt Nam.
Đối với thị trường Nga, thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong 10 năm qua đã tăng từ 364 nghìn USD năm 2012 lên hơn 14 triệu USD năm 2021, tăng gấp hơn 39 lần.
Mặc dù trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nga không ổn định nhưng đang có xu hướng tăng và phục hồi tốt sau đại dịch. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nga năm 2021 chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước, tăng 58% so với năm 2020 và cao hơn cả so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Tại Ukraina, thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 19 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã tăng gấp 58 lần trong 10 năm, từ mức 115 nghìn USD năm 2012 lên 6,8 triệu USD năm 2021.
Và trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ tăng liên tục. Riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu sang Ukraina tăng 106% so với năm 2020 và tăng gấp 3 lần so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 1% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước.
Nguồn VASEP |
Các doanh nghiệp cho biết, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina nổ ra, một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu cá ngừ sang cả hai nước nói trên đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng. Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gẫy, các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.
Bên cạnh đó, Nga và Ukraina là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, do đó nếu cuộc xung đột tiếp tục leo thang, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cá ngừ.
Hiện giá của hầu hết các loại dầu thực vật đều tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 1/2022, trong khi các nhà chế biến cá ngừ đóng hộp đang phải đối mặt với giá dầu hướng dương tăng cao chưa từng có. Mà giá dầu hướng dương bị đẩy lên cao sẽ đẩy chi phí sản xuất cá ngừ đóng hộp/túi tăng theo.
Mặt khác, thị trường dầu mỏ đã chịu áp lực từ đại dịch toàn cầu và biến thể Omicron. Giá cả cũng bắt đầu tăng kể từ khi căng thẳng giữ Nga - Ukraina leo thang. Chi phí nhiên liệu tăng dự kiến sẽ đẩy giá cá ngừ nguyên liệu thô tăng do chi phí đánh bắt tăng.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển đường biển vốn đã ở mức cắt cổ dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Và hiện các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga, tăng chi phí vận chuyển…
Theo VASEP, mặc dù hai thị trường không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, nhưng trước nhưng tác động nói trên dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng tới sẽ “giảm tốc”.
Cá tra đi Nga phải tạm ngưng vì chiến sự
Theo VASEP, năm 2021, Nga là một trong những thị trường tiềm năng và tỏa sáng trong bức tranh xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị đạt 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bắt đầu sang năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường này lại đang gặp sự cố và ẩn chứa nhiều bất ổn.
Đầu năm 2022, có 5 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Nga. Tuy nhiên, trong tháng 1/2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 2,18 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2021, chính tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà nhu cầu nhập khẩu cá tra phile đông lạnh của Nga từ Việt Nam tăng mạnh. Năm vừa qua, Việt Nam là một trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất cho Nga (sau Argentina và Trung Quốc).
Nguồn VASEP |
Việt Nam là thị trường độc tôn cung cấp cá tra đông lạnh cho Nga. Từ trước tới nay, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam vẫn coi Nga là thị trường nhiều tiềm năng và nhu cầu lớn.
Kể từ đầu năm nay, đặc biệt là sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina thì tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đang tạm thời bị gián đoán và gặp rất nhiều khó khăn.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra đi Nga, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng Ruble (tiền Nga) đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 Ruble đổi 1 USD trong ngày 1/3.
Do đồng Ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không hề dễ dàng.
Hiện nay, các doanh nghiệp tạm ngưng ký các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác mà không bị gián đoạn.
Mặt khác, các hãng tàu biển cũng đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga vì rủi ro rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại Cảng Rotterdam trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.
Hơn thế, hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã tăng lên mức 32.000 đồng/kg do khan hiếm, doanh nghiệp không thể mua được nguyên liệu do giá tăng mạnh. Nhiều thị trường lớn khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra lớn tuy nhiên các nhà máy không đủ nguyên liệu cho chế biến, chưa nói tới đủ cá thành phẩm xuất khẩu đi Nga trong bối cảnh căng thẳng chiến sự như hiện nay.