Xót xa những giọt nước mắt chảy ngược
Khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện 19 - 8 là nơi tiếp nhận những bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông |
Tai nạn giao thông ở người trẻ đã và đang là vấn đề đáng báo động. Đằng sau hệ lụy đau đớn, mất mát là sự khổ hạnh khôn nguôi của biết bao nhiêu gia đình Việt Nam không gì có thể bù đắp được. Vấn nạn này kéo dài âm ỉ, liên tục réo lên những hồi chuông nhức nhối.
Sự nuối tiếc muộn màng
“Phía sau những lần phóng nhanh vượt ẩu, rú ga inh ỏi ai, mình vô cùng tự hào kể với bạn bè khi chưa bao giờ xảy ra tai nạn, nhưng cho đến khi sự cố không may xảy ra thì đã quá muộn...”. Chu Văn Hiếu sinh năm 2001, quê ở Nam Định ngậm ngùi chia sẻ.
Bệnh nhân bị tai nạn giao thông Chu Văn Hiếu đang điều trị tại Bệnh viện 19 - 8 |
Khi nghe một tiếng “ầm”, Hiếu giật mình tỉnh dậy sau cơn say nhưng thân xe đã đè lên quá nửa người, đầu anh đập xuống nền đường. Sau đó, chẳng còn biết gì nữa. Hậu quả của vụ việc này đã khiến Hiếu nhập viện điều trị trong một khoảng thời gian dài. Phải khâu và băng bó toàn bộ phần xương trán bị vỡ, chịu biết bao lần đớn đau... Tai nạn đáng tiếc xảy ra không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Hiếu mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc và gia đình. Trên gương mặt của cậu thanh niên 20 tuổi này giờ chỉ còn sự hối hận.
“Nhiều lúc tôi chỉ muốn được quay trở lại thời điểm ấy để nói lời từ chối khi được bạn bè rủ rê đi uống rượu. Chỉ vì ham vui, sử dụng chất có cồn rồi lái xe mà đã đánh mất đi sức khỏe quý giá của bản thân. Tôi mong mọi người nên cẩn thận khi lái xe trên đường, đừng để xảy ra tai nạn rồi hối tiếc cũng không còn kịp”, nói đến đây, giọng anh chùng xuống, hai tay nắm chặt, giấu đi mắt đỏ hoe ngấn lệ.
Trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh, thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; Đi xe không có biển số, giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, tham gia giao thông khi đã uống rượu bia... Đáng ra ở thanh xuân, sức khỏe để học hành, lao động và cống hiến thì giờ đây những người trẻ này lại khoác lên mình những hình dạng cơ thể không lành lặn, do các chấn thương tai nạn giao thông gây ra.
Chiếc chân bó bột đã nhiều ngày của bệnh nhân Lương Tuấn Khải bị tan nạn giao thông |
“Lúc tai nạn tôi không còn tỉnh táo nữa. Trước đây, thấy bạn bè phóng nhanh vượt ẩu, tôi bắt chước và làm theo. Tôi đã làm như thế một vài lần và giờ thì kết quả như thế này. Bây giờ tôi chỉ mong có thể sớm bình phục để xuất viện, không để bố mẹ phải rơi nước mắt khi chăm sóc tôi hằng đêm ở phòng hồi sức cấp cứu nữa”, giọng ấp úng, bệnh nhân Lương Tuấn Khải, sinh năm 2002 tại Hà Nội cho biết.
Sự an toàn không chấp nhận “giá như...”
“Các bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện chủ yếu là người trẻ. Nhiều người vào đây với sự sống mong manh với đa chấn thương nặng do va đập. Nguyên nhân chủ yếu là do rượu bia, thích thể hiện bản thân, không tuân thủ luật giao thông đường bộ”, đó là lời của Trung tá Bùi Nam Phong, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện 19-8.
Trung tá Bùi Nam Phong, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện 19 – 8 |
Những giọt nước mắt muộn màng cùng sự hối hận luôn tới khi mọi việc đã xảy ra: "Giá như hôm ấy mình đừng cố vượt, giá như mình đừng uống bia rượu rồi ra đường thì đã không bị đớn đau, tốn kém như thế này" là câu nói nhiều bệnh nhân trong sự hối hận muộn màng.
Ở tuổi 20, bệnh nhân Nguyễn Hữu Vinh, quê tỉnh Nam Định vì một phút lơ là, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, Vinh đã gặp tai nạn đáng tiếc và phải tạm thời nghỉ học để điều trị tại Bệnh viện 19-8. Túc trực 24/24 giờ chăm sóc cho anh không ai khác đó chính là người bố đã ngoài 50 tuổi. Khuôn mặt vất vả bởi sương gió giờ đây càng thêm hốc hác vì lo cho con trai.
“Gia đình tôi ở Nam Định cách đây hơn một trăm ki-lô-mét. Khi nhận được tin con gặp chuyện, tôi không còn sức lực nghĩ gì nhiều nữa mà gác lại công việc bắt xe lên Hà Nội chỉ mong con bình an”, đôi mắt đỏ hoe, khuôn mặt lo sợ của người cha khi kể lại ngày Vinh gặp tai nạn.
Bệnh nhân Nguyễn Hữu Vinh và bố |
Phòng cấp cứu dần trở thế giới thu nhỏ với những gương mặt u buồn đầy lo lắng khi tai nạn giao thông không chỉ gây ra những di chứng, hệ lụy khôn lường cho bệnh nhân, mà còn là nỗi đau của những người làm cha, mẹ. Không khỏi xót xa khi thấy cảnh người đàn ông ngồi ôm gối, vò đầu bứt tai, mệt mỏi sau nhiều giờ túc trực bên đứa em trai phóng xe máy quá nhanh gây tai nạn đang nằm bất tỉnh, cơ thể thương tích khắp người hay người mẹ già nua, còm cõi vừa lật đật lo chuyện chăm con trẻ tai nạn giao thông vừa lo lắng việc đồng áng, những người con còn lại quê nhà.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Theo Trung tá Bùi Nam Phong, trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện 19 - 8, những ngày hậu giãn cách theo chỉ thị 16, các ca nhập viện do tai nạn giao thông tăng mạnh, trong đó tới 70% là người trẻ với phân nửa số vụ liên quan đến rượu bia. “Khi các sinh hoạt xã hội trở lại bình thường, người dân tham gia giao thông nhiều hơn, điều này khiến tỷ lệ tai nạn giao thông tăng lên.
Hầu như ngày nào khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cũng có bệnh nhân nhập viện. Những tổn thương bệnh nhân tai nạn giao thông phải gánh chịu thường rất nặng nề, đặc biệt nguyên nhân do sử dụng bia rượu, chủ yếu là đa chấn thương, chấn thương sọ não, gãy nhiều xương. Để giữ tính mạng cho bệnh nhân, khối lượng công việc của các bác sĩ, điều dưỡng rất lớn”.
Những người vào viện đã có rượu bia thì tri giác của họ bị ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng đến quá trình thăm khám của bác sĩ. Các trường hợp này tiềm tàng nguy cơ bỏ sót tổn thương, diễn biến nặng mà không biết. Đặc biệt là những trường hợp bị chấn thương sọ não việc đánh giá thang điểm hôn mê khó chính xác, việc xử lý phụ thuộc vào các kết quả chẩn đoán hình ảnh.
"Nếu may mắn “thoát khỏi lưỡi hái tử thần”, cuộc đời của những nạn nhân tai nạn giao thông cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Cái giá phải trả cho những lần vi phạm giao thông là những tai nạn đáng tiếc, những di chứng sau này, thậm chí là sự sống còn vậy nhưng nhiều người vẫn chủ quan và sự việc đau lòng vẫn diễn ra rất nhiều", Trung tá Bùi Nam Phong nói.
Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, khoa Thần kinh Bệnh viện 19 - 8 chăm sóc cho bệnh nhân tai nạn giao thông |
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Vũ Anh Tuấn, công tác tại khoa thần kinh Bệnh viện 19 - 8 chia sẻ: “Một ca trực của chúng tôi bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng, chuyên khoa sọ não thần kinh sẽ cùng những chuyên khoa khác như cấp cứu hoặc những khoa liên quan, phối hợp với nhau để điều trị cho các bệnh nhân. Có những trường hợp tai nạn rất nặng, bệnh nhân phải nằm hồi sức đến gần hai tháng, nguy cơ sống thực vật rất cao.
Các bác sĩ đều cố gắng hết mình điều trị và động viên các bệnh nhân và người nhà cố gắng. Mỗi ca thành công, bệnh nhân có thể quay lại cuộc sống bình thường thì chúng tôi rất vui. Một số trường hợp nặng nhất là không qua khỏi, di chứng yếu liệt nửa người phải ngồi xe lăn cũng rất đáng tiếc…”.
"Đối với mỗi bệnh nhân tai nạn giao thông, các bác sĩ cũng dựa trên pháp đồ điều trị sẽ đưa ra những phương pháp phục hồi sau chấn thương khác nhau. Quá trình điều trị là thách thức lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân, người nhà của họ", bác sĩ Vũ Anh Tuấn chia sẻ.
Những hình ảnh tai nạn giao thông chụp tại Bệnh viện 19 - 8 những ngày sau nới lỏng giãn cách