Xây dựng chất lượng hoạt động tuyến y tế cơ sở
Tới dự hội thảo có các đồng chí: Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia, Ngân hàng Thế giới, Đại học Y Hà Nội.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 1.000 điểm cầu tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước; Các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội; Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; Các phòng khám đa khoa, trạm Y tế trực thuộc Trung tâm Y tế.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội thảo |
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã nêu “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”...
Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được thực hiện bởi mạng lưới y tế cơ sở như triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe đến từng người dân; thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống tại các khu vực điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa”.
Tuy nhiên, thời gian qua, y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách đặc biệt là cơ chế tài chính và nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Tại Hà Nội, số lượt người đến khám chữa bệnh ở phòng khám, đa khoa, trạm y tế khoảng 2 triệu lượt/năm.
Tuy nhiên, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe thường chiếm tỷ lệ thấp và càng ngày càng sụt giảm, có nhiều nguyên nhân như chất lượng dịch vụ, lòng tin của người dân, cơ chế chính sách và mức đầu tư.
Nhiều chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh, dẫn tới người dân vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.
Những quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề, danh mục kỹ thuật tại trạm y tế xã hay chính sách thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế và một số quy định khác đã làm giảm lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh tại tuyến y tế xã, phường, bệnh viện tuyến huyện.
Người dân chưa được khám, phát hiện, quản lý, theo dõi các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường… một cách bài bản, thường xuyên, liên tục.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08 về việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 trong đó có rất nhiều nội dung được quan tâm về phát triển y tế cơ sở. UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 196 triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội nhằm củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hà Nội cũng là địa phương được Bộ Y tế, Bộ Công an chọn là địa bàn thực hiện việc thí điểm việc xây dựng hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân gắn với Đề án 06 của Chính phủ.
Sở Y tế Hà Nội đã nghiên cứu, sáng tạo mô hình “Bệnh viện chị - em” giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì với mục tiêu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tại hội thảo các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia sẽ tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng chính sách, chiến lược phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới cũng như các mô hình, giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động y tế cơ sở trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về củng cố và phát triển y tế cơ sở, ngành Y tế Hà Nội chủ động, sớm nắm bắt được chủ trương, đường lối, là địa phương đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn; có những bước đi, cách làm mới sáng tạo để hoàn thiện y tế cơ sở.
Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15 do Quốc hội ban hành có hiệu lực. Theo đó, 4 tuyến cơ sở khám chữa bệnh sẽ được thay thế bởi 3 cấp bao gồm cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Việc chuẩn bị nâng cao năng lực cho các cơ khám chữa bệnh cho cấp ban đầu của Hà Nội rất cần thiết, cấp bách đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống quản lý và giúp đỡ của các cơ sở khám chữa bệnh đầu ngành của Hà Nội”.
Ngày 25/10/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Ngành Y tế Hà Nội đã chủ động, có những bước đi, cách làm mới sáng tạo trong việc hoàn thiện y tế cơ sở, mô hình quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh đã xây dựng thành công tại Trung tâm Y tế Sóc Sơn, Trung tâm Y tế Ba Vì đã tạo được sự tin tưởng của người dân, giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao ngành Y tế Hà Nội đã có những giải pháp sáng tạo, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Bộ Y tế như ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, khám chữa bệnh từ xa áp dụng ngay tại tuyến y tế cơ sở như triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện chị - em” giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì. Đây là một cách làm mới trong công tác chỉ đạo tuyến giữa tuyến trên và tuyến dưới.
“Bên cạnh sự chuẩn bị, sẵn sàng và nỗ lực của ngành Y tế Hà Nội, rất cần sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị của thành phố; sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ Y tế và sự chia sẻ đồng hành của ngành bảo hiểm xã hội, tạo cơ sở, hành lang và chính sách thuận lợi cho các cơ sở y tế đảm bảo công tác khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo |
Cũng tại hội thảo, các đại biểu có ý kiến, phân tích, đánh giá về những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách trong công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở; những kết quả đạt được của ngành Y tế trong thời gian qua; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực phát triển y tế cơ sở những năm tiếp theo.
Đặc biệt, ngành Y tế cần có chính sách tạo điều kiện cho y tế cơ sở để hạn chế người dân vượt tuyến, giảm chi phí cho người dân và giảm tải cho tuyến trên.
Bà Đào Lan Hương, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết: “Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, khoảng 30% trường hợp nhập viện có thể tránh được nếu được chăm sóc sức khỏe tốt tại y tế cơ sở; Có 10 nhóm bệnh nhập viện cao nhất, nếu được kiểm soát tốt ngay tại y tế cơ sở thì sẽ giảm được khoảng 80% các ca nhập viện do các bệnh này”.
Liên quan đến quyền lợi của người dân khi khám chữa bệnh tại xã, phường, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết: “Luật Bảo hiểm y tế đang sửa đổi trong đó có những tháo gỡ khó khăn cho y tế cơ sở, ưu tiên ngân sách cho trạm Y tế, chú trọng chính sách thanh toán bảo hiểm y tế cũng như nhân lực.
Với giải pháp đối với y tế cơ sở, điều kiện kiên quyết đó là nhân lực, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế xã; tuyên truyền hiệu quả tạo sự tin tưởng của người dân; quản lý hiệu quả bệnh không lây nhiễm; nguồn lực - tài chính y tế và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn”.
Cũng theo ông Hòa, tại tuyến xã hiện có 182 danh mục kỹ thuật được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán nhưng hiện các trạm Y tế xã chưa thực hiện được khoảng 50% danh mục, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 50% số danh mục kỹ thuật thuộc phạm vi được triển khai.