WHO cảnh báo về đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc: “Quá sớm” và “không thực tế”
“Vắcxin và 5K” là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn Covid-19 Khuyến cáo về việc sử dụng vắc xin Covid-19 của Oxford/AstraZeneca Cuộc sống nơi từng là tâm dịch Covid-19 Italy nay ra sao? |
Ông Ryan cho biết, WHO khá lạc quan với dữ liệu cho thấy nhiều loại vắc-xin được cấp phép dường như hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, WHO cũng lưu ý số ca nhiễm mới trên toàn cầu được ghi nhận trong tuần trước đã tăng trở lại sau 6 tuần liên tiếp giảm. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm mới tại Châu Âu, Châu Mỹ, Đông Nam Á và khu vực Địa Trung Hải.
Ông cho rằng, thực tế này đáng thất vọng song không bất ngờ bởi người dân nhiều nước buông lỏng cảnh giác. Một số quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong khi biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện và lây lan.
Chính điều này đã khiến WHO cho rằng suy nghĩ thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021 là không thực tế. WHO cũng cảnh báo sự tự mãn và không có gì đảm bảo chắc chắn khi mà trận chiến vẫn đang diễn ra.
WHO cảnh báo đại dịch chưa thể kết thúc vào cuối năm 2021 (Ảnh: EPA) |
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, việc tiêm chủng theo chương trình COVAX đã bắt đầu vào tuần này ở Ghana và Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, ông than phiền rằng điều này xảy ra ba tháng sau khi các quốc gia như Anh, Mỹ và Canada bắt đầu tiêm chủng cho người dân của họ.
Ông Tedros khẳng định: “Các quốc gia không chạy đua với nhau. Đây là một cuộc chiến chống lại virus. Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia đặt người dân của họ vào tình thế nguy hiểm. Chúng tôi chỉ mong muốn tất cả các quốc gia tham gia vào nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn virus ở khắp mọi nơi”.
Theo số liệu thống kê, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trên toàn cầu là trên 114 triệu ca, trong đó ít nhất 2 triệu người tử vong. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp các quốc gia như: Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại Châu Âu.
Phần Lan nằm trong số những nước ít chịu tác động nhất của dịch bệnh tại Châu Âu cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng. Theo đó, các nhà hàng, trường học phải đóng cửa, hoạt động đi lại giữa các vùng bị hạn chế. Tình trạng khẩn cấp cũng cho phép Chính phủ nước này áp đặt các biện pháp khác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.