Vườn mẹ
1/Trong tôi hiện lên những địa danh gần gũi mang trên mình loài cỏ cụm, lông chông, lưỡi long, xương rồng, dương liễu… Bàu Bính! Bàu Bính có từ bao giờ? Tên làng thì chắc đã có chừng 500 năm trước, Bàu Bính được nhớ nhất là nơi tụ nghĩa của vùng Đông Quảng Nam Quảng Đà. Bàu Bính là nơi an toàn khu của cách mạng. Bàu Bính trở thành căn cứ lõm 1970 - 1972. Bàu Bính là nỗi khiếp sợ của quân thù rồi Bàu Bính góp phần để Bình Dương trở thành đơn vị anh hùng lần thứ hai trong sự nghiệp chống Mỹ.
Nhà ngoại tôi gần chợ Bàu Bính, một không gian xưa cũ gồm nhà rường năm gian sườn gỗ mái ngói, nhà trù, nhà ngang, sân gạch, vườn hoa, ruộng thổ bậc cao bậc thấp hai hàng cau thẳng tắp từ sân ra ngõ… Tết Mậu Thân 1968, nhân dân Bình Dương tập kết quân vùng Bàu Bính, nhà ngoại trở thành điểm trực ban của bộ chỉ huy chiến dịch, mẹ và tôi cũng tập trung tại nhà ngoại để chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hội An. Mỗi thành viên chuẩn bị vũ khí thô sơ là cây gậy, cuộn dây, cái mõ tre, gói cơm vắt. Không khí đi khởi nghĩa mà nườm nượp đông vui như đi lễ hội. 6 giờ chiều, người phụ nữ cụt một tay đến phổ biến chủ trương chuẩn bị lên đường để kịp tới Hội An vào “giờ G”...
Khi cuộc chiến đi qua, bom mìn được thu dọn, những chiếc xe tăng Mỹ nằm trơ, một số người muốn thu gom cho vào lò nung sắt thép để khỏi nhìn thấy mà “gai mắt ngứa gan”, một lực lượng khác lại muốn lưu giữ những phương tiện gây nên tội ác chiến tranh để nhắc nhở cháu con rằng sức mạnh sắt thép không phải là vô biên. Khi nhân dân tổ chức lại sản xuất tăng gia là tuyên chiến với cuộc sống đói nghèo trên vùng cát, làm cho mầu xanh phủ tràn trên mảnh đất quê hương. Rừng dương hàng triệu cây lớn lên từng ngày, gió vi vu như lời ru tình tự, Bình Dương lại được đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động.
2/Ghé thăm phòng truyền thống của xã, hình ảnh hai người phụ nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang được trân trọng treo ở trung tâm. Chị Trần Thị Kim Cúc - một xã đội trưởng can trường đánh giặc rất cừ, chị Phan Thị Nga - một nữ anh hùng trung kiên, nghĩa khí. Chuyện còn đó: chị Nga bị địch bắt khi đang hoạt động ở khu dồn, chúng bày trò uy hiếp, hăm dọa, sỉ vả trước mặt người thân và bà con làng xóm. Hình ảnh chị mãi in đậm trong tâm khảm mọi người ở thời điểm tử sinh, một nụ cười coi khinh kẻ thù. Quân thù hèn hạ, nhụt khí, run tay chỉ dám bắn chị từ phía sau lưng để tránh ánh mắt rực lửa của người nữ chiến sĩ anh hùng cùng lời hô vang to như Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi “Hồ Chí Minh muôn năm...”. Phía trước trụ sở UBND xã là nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương, nơi ấy có 1.347 liệt sĩ, những người con trung hiếu của Bình Dương. Chúng ta nghĩ rằng, các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang khi Tổ quốc cần mà chưa và không bao giờ đòi hỏi ở Tổ quốc sự đền đáp vinh danh. Nếu có nghĩ thì những người con ấy khi còn sống luôn nghĩ về người mẹ của mình nhiều nhất, họ cũng mong những người mẹ được chăm chút và phụng dưỡng tốt hơn!
Từ cảm thức ấy, chúng ta sẽ không khỏi nặng lòng suy nghĩ về 350 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bình Dương, mà nhiều Mẹ khác tới nay vẫn còn nằm rải rác trên nhiều vùng, thậm chí có những trường hợp gia đình không còn ai để quan tâm mồ mả và hương khói. Nên, những chùm nhang không mọc trên những ngôi mộ cũng từ nguyên do ấy.
Những câu chuyện kể về “đất thánh” Bình Dương một thời chiến tranh, một thời hòa bình đều để lại trong lòng nỗi xốn xang làm rưng rưng nước mắt. Lịch sử còn ghi vụ thảm sát trảng Trầm, những loạt đạn quét qua 73 người dân vô tội ngã xuống thật đớn đau! Một bé gái mới năm ngày tuổi quấn trong gùi giẻ được mẹ ẵm chặt trên tay đang bú. Súng nổ, người mẹ ngã nhào, em bé được mẹ che chở, trở thành người duy nhất sống sót. Ngày hôm sau bà con ẵm bé lên trao cho người mẹ khác ở chợ Hương An nuôi. Sau chiến tranh gia đình của mẹ nuôi di cư vào Nam Bộ, em bé biết đâu đường về để trở lại dâng nén hương viếng người mẹ sinh thành? Và chúng ta vẫn thầm mong một ngày không xa em bé mồ côi được gia đình mẹ nuôi cho em trở lại đất tổ dù một lần để thăm nơi nguồn cội và khắc ghi vụ thảm sát trảng Trầm.
Mới đây, khi chuẩn bị thông tin cho quyển sách “Căn cứ lõm Bình Dương”, anh Mai Văn Năm - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tâm sự: Bình Dương mình còn nhiều, rất nhiều những mẹ, những chị, em đã một đời phấn đấu hy sinh cho cách mạng. Nay chính sách cần quan tâm nhắc tới. Chị Nguyễn Thị Nhờ, một cán bộ trong phong trào cơ sở đã phấn đấu trưởng thành, giữ chức Trưởng ban đấu tranh chính trị tỉnh rồi anh dũng hy sinh. Chuyện kể thời khắc cuộc chiến tranh đặc biệt, Quốc dân đảng truy tìm cán bộ đảng viên, bà Xã Nghị một mình đã nhanh trí cứu chồng và bao nhiêu người khác thoát nanh vuốt kẻ thù. Cô Phan Thị Truy, người gìn giữ bảo toàn đường dây liên lạc của tổ chức đảng ở thời kỳ ác liệt khó khăn sau Hiệp định Genève rồi trở thành Hội trưởng Phụ nữ tỉnh. Cô Trịnh Thị Huyền, Huyện ủy viên, người con Bình Dương được phân công về lãnh đạo chiến đấu bảo vệ quê hương trong những ngày Bình Dương gian nan ác liệt. Ngô Thị Thanh Hương, người con vùng cát đẹp nết đẹp người phấn đấu trở thành Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy để kế tục sự nghiệp vinh quang của người cha - Bí thư Huyện ủy Ngô Thanh Dũng…
Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Thái Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, đồng chí Phan Đức Nhạn, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa, viếng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương (Thăng Bình). |
3/Người Bình Dương đã quen với cuộc sống nhọc nhằn gian nan, mùa nắng chân đi trên cát bỏng cát cháy, mùa mưa dầm chịu ngập úng bão dông. Những công sự bí mật hầm hào trận địa tập trung nơi địa hình cao ráo. Thế trận có lòng dân, địa hình dựa vào nổng cát cao, bờ thổ, bờ kênh. Khi mặt đất xơ xác trống trải thì cơ bản ẩn vào lòng đất, con người hoạt động như mạch ngầm lúc ẩn lúc hiện, khi phân tán lúc tập trung sẵn sàng phòng thủ, chủ động tấn công để giành thắng lợi. Chiến tranh kết thúc, làng quê nghèo còn lại trang sử liệt oanh, con người còn lại chủ yếu phụ nữ, người già và trẻ em, lại lao vào mặt trận mới. Câu chuyện bàn tay trắng từ trong đổ nát đi lên có sá chi khổ cực trăm bề để lợp lại màu xanh quê hương, để sức sống mới bật dậy phi thường. Các con ơi! Đời mẹ già rồi, chẳng còn bao hơi nữa, sự nghiệp này trao lại để lớp con cháu của mẹ phấn đấu giữ vững ngọn cờ. Các con hãy vững tin, truyền thống quê hương không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính chúng ta, đang ẩn vào trong xóm làng, nổng cát, rừng dương xanh...
Từ những trăn trở xót xa, tôi nảy ra ý tưởng đã đeo đẳng, ấp ủ nhiều năm tháng để xây dựng không gian Vườn Mẹ. Tôi nêu ý tưởng Vườn Mẹ với đồng nghiệp và bạn bè, được các bác, các chú cùng những anh chị thế hệ đi trước động viên và khuyến khích. Tôi dốc lòng tìm ý, chốt lại nội dung: chọn khu vực đồi cát - một thực thể có vị trí xứng đáng trong lịch sử thời chiến tranh dành làm đài tưởng niệm và khuôn viên để an vị mồ mả cho 350 “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Một bia ghi danh 1.347 liệt sĩ. Tái tạo công sự hầm ngầm trạm phẫu, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, lập điểm tiền tiêu để canh chừng giặc dã. Vườn Mẹ là không gian sinh tồn có làng nghề truyền thống, có hoa cỏ cây cao bóng mát, có bến nước đường làng nhà văn hóa... để các con vui sống với nhau. Vườn Mẹ có không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng phong phú đã gắn bó với vùng đất này từ nghìn xưa. Vườn Mẹ được quy hoạch giữ yên người dân sống trong vùng dự án để họ cùng tham gia, chỉnh trang cho làng quê có duyên có hồn. Tôi mời hội đồng cố vấn, hội đồng tư vấn để tham gia đóng góp ý tưởng và cách làm Vườn Mẹ. Tôi mang hồ sơ ý tưởng Vườn Mẹ trình bày với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch đón nhận rất vui, đồng tình chia sẻ, động viên khuyến khích rồi hẹn tôi tới Phủ Chủ tịch để nhận Thư Chủ tịch nước gửi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh về dự án Vườn Mẹ. Tôi vui mừng, chia sẻ cảm xúc với anh Vũ Ngọc Hoàng, Hồ Thanh Hải, Thuận Hữu, Phan Thăng An... về lời lẽ rõ ràng, khúc chiết, ấm áp, chân tình trong Thư của Chủ tịch nước.
Mong rằng Vườn Mẹ - một công trình tâm huyết sẽ sớm hình thành trên đất mẹ Bình Dương anh hùng.