UBND huyện Long Thành "xem thường" chỉ đạo của UBND tỉnh, quyền lợi người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Bà Oanh nhiều lần "đội" đơn gõ cửa chính quyền đòi quyền lợi
Bài liên quan
Đồng Nai: UBND huyện Long Thành “thờ ơ” với quyền lợi chính đáng của người dân?
Chậm bồi thường khi thu hồi đất, UBND tỉnh Đồng Nai “làm ngơ” trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng?
Dự án Sân bay Long Thành: Hoàn tất cơ sở pháp lý để ra quyết định thu hồi đất trước tháng 6/2019
Đồng Nai vừa công bố nhiều doanh nghiệp nợ thuế “khủng”
Vẫn “điệp khúc” chỉ đạo xử lý
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin trước đó, liên quan đến việc thực hiện theo Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 356/TB-VPCP ngày 17/9/2018, về việc giải quyết khiếu nại của bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh (ngụ xã Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) liên quan đến vấn đề sử dụng đất, trong đó, có việc thu hồi gần 16 ha đất rừng của gia đình bà Oanh để giao cho Tổng Công ty Tín Nghĩa thực hiện dự án KCN An Phước, tại xã An Phước, huyện Long Thành nhưng không được bồi thường.
Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện việc báo cáo kết quả thực hiện đối với việc bồi thường, hỗ trợ cho bà Oanh |
Ngày 28/9/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 10387/UBND-TCD giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, UBND huyện Long Thành, Tổng Công ty Tín Nghĩa và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ vụ việc, thống nhất tham mưu đề xuất UBND tỉnh thực hiện giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất, tài sản và cây trồng trên đất khi thu hồi của gia đình bà Oanh theo nội dung 2 điểm của Thông báo 356/TB-VPCP đã nêu.
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 25/12/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 3 văn bản, bao gồm: Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất; Phương án xác định giá đất để tính tiền bồi thường và Tờ trình về việc quyết định giá đất bổ sung để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án KCN An Phước đối với trường hợp của Oanh để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Tiếp đến, ngày 25/1/2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất có Văn bản số 54/TTPTQĐ-TBT gửi UBND huyện Long Thành để xin ý kiến chỉ đạo, xem xét giải quyết theo Văn bản số 12452/UBND-ĐT ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai đối với nội dung: “Đề nghị Tổng Công ty Tín Nghĩa thống nhất việc tạm ứng tiền để chi trả cho gia đình bà Oanh khi có đề nghị của UBND huyện Long Thành”.
Riêng đối với Tổng Công ty Tín Nghĩa, từ sau Văn bản số 10387/UBND-TCD của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng tinh thần Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đến nay đơn vị này đã không dưới 7 lần gửi văn bản đề nghị các cơ quan, ban ngành tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Long Thành sớm hoàn tất các hồ sơ liên quan đến áp giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân, làm cơ sở cho Tổng Công ty Tín Nghĩa chi trả tiền bồi thường.
Mặc dù, được chỉ đạo rốt ráo để xử lý dứt điểm vụ việc, thế nhưng tiến độ thực hiện thì gần như vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Khu đất này vốn của gia đình bà Oanh nay đã biến thành nhà xưởng cho các đơn vị khác thuê lại |
Tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo
Riêng đối với UBND huyện Long Thành, từ sau khi thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai về việc xử lý bồi thường, hỗ trợ cho bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh thì phải đến đầu tháng 7/2019, cơ quan này mới có Báo cáo về kết quả rà soát, lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Oanh.
Theo Báo cáo 319/BC-UBND của UBND huyện Long Thành cho thấy, ngoài việc xác định được diện tích đất bị thu hồi, loại đất, đơn giá để tính tiền bồi thường thì vẫn còn những vướng mắc mà đơn vị này chưa thể đưa ra được quyết định mà phải lập báo cáo trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cho ý kiến chỉ đạo để làm cơ sở cho UBND huyện Long Thành thực hiện việc phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình bà Oanh.
Cụ thể, đối với vấn đề về cây trồng trên đất, UBND huyện Long Thành cho rằng, trước đây (năm 2002) UBND xã An Phước đã có Biên bản xác nhận thửa 210, tờ bản đồ thu hồi số 01 có trồng cây trái, hoa màu do ông Đinh Xuân Tuyến canh tác, trồng trọt (?!); Do vậy, Hội đồng bồi thường đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho ông Tuyến 100 triệu đồng và ông Tuyến đã nhận số tiền này. Về phía bà Oanh, bà cho rằng không hề biết ông Tuyến là ai mà lại canh tác và nhận tiền bồi thường trên phần đất của gia đình?
Tại Báo cáo số 43/BC-UBND ngày 16/4/2015 của UBND xã An Phước lại xác nhận, hiện trạng trên phần đất thửa 254 và 210 tờ bản đồ số 04 cũ gia đình bà Oanh có trồng tràm 3,5 tuổi. Tuy nhiên, theo huyện Long Thành, căn cứ theo Luật đất đai 2013 quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất; Do đó, tài sản của bà Oanh được xác lập sau thời điểm có thông báo thu hồi đất (thực tế, UBND huyện Long Thành chưa ban hành quyết định thu hồi đối với các quyết định đã giao đất trước đây cho bà Oanh mà chỉ căn cứ vào Quyết định thu hồi toàn dự án của UBND tỉnh Đồng Nai để giao cho Tổng Công ty Tín Nghĩa).
Liên quan đến nội dung này, ngày 9/12/2015 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Văn bản số 10249/UBND-ĐT, chấp thuận cho UBND huyện Long Thành thực hiện hỗ trợ khác đối với phần cây trồng trên đất cho bà Oanh với mức hỗ trợ bằng 50% giá cây trồng được quy định tại Quyết định số 55/2014-UBND ngày 20/11/2014 của UBND tỉnh. Sau đó, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Long Thành đã lập phương án hỗ trợ trình thẩm định và được UBND huyện phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường đối với phần cây trồng trên đất số tiền hơn 274 triệu đồng, nhưng bà Oanh không đến nhận.
Ngoài ra, chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 12452/UBND-ĐT ngày 15/11/2018 cho rằng: “Đối với cây tràm của gia đình bà Oanh trồng từ năm 2012 và Công ty Tín Nghĩa đã thỏa thuận, đề nghị Tổng Công ty Tín Nghĩa tiếp tục bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Oanh theo như thỏa thuận”.
Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Long Thành vẫn “lúng túng” trước việc xử lý vấn đề bồi thường về cây trồng cho gia đình bà Oanh, để một lần nữa gia đình bà phải “cầu cứu” UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cho ý kiến chỉ đạo, làm cơ sở cho UBND huyện Long Thành thực hiện việc phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ.
Trong đó, UBND huyện Long Thành có đặt vấn đề xin ý kiến chỉ đạo: “Có được tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ 50% giá cây trồng theo Quyết định số 55/2014-UBND ngày 20/11/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai hay không? Trường hợp được áp dụng, thì UBND huyện Long Thành chi trả theo phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt tại Quyết định 1629/QĐ-UBND ngày 26/4/2016 với số tiền hỗ trợ là hơn 274 triệu đồng, hay phải ban hành quyết định mới theo giá hiện hành? Trường hợp không được tiếp tục áp dụng thì việc hỗ trợ, bồi thường về cây trồng sẽ được xử lý như thế nào?
Còn đối với việc áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, UBND huyện Long Thành cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở ngành của tỉnh có văn bản hướng dẫn rõ cho địa phương về trường hợp của bà Oanh có đủ điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo Điều 15 Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 20/2/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai hay không?”.
Ai chịu trách nhiệm về việc chậm bồi thường?
"Sốt ruột" với cách giải quyết “rùa bò” của UBND huyện Long Thành, bà Oanh đã nhiều lần có đơn đề nghị UBND huyện mong sớm xử lý dứt điểm vụ việc, thậm chí trực tiếp đến tại trụ sở của đơn vị này để đăng ký gặp lãnh đạo đối chất.
Khu nhà xưởng kiên cố đang dần hoàn thiện, sắp đi vào hoạt động |
Ngày 5/7, lãnh đạo UBND huyện Long Thành do ông Nguyễn Phong An, Phó Chủ tịch UBND huyện làm đại diện, cùng các ban ngành liên quan đã có buổi tiếp xúc và làm việc với bà Oanh về vấn đề giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phong An cũng đã thừa nhận những khuyết điểm của địa phương trong quá trình xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, để trả lời về những thắc mắc của bà Oanh khi nào vụ việc được giải quyết dứt điểm, lãnh đạo UBND huyện Long Thành cũng chỉ hứa hẹn giải quyết trong thời gian sớm nhất, không cụ thể thời gian.
Chính vì vậy, bà Oanh cho rằng, quá trình xử lý, giải quyết của UBND huyện Long Thành rất vòng vo, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình mà còn tạo tiền lệ xấu cho những vụ việc về sau. “Nếu thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo thì gia đình tôi đã nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ cách đây gần 8 tháng và nếu lấy số tiền được bồi thường đó đi gửi ngân hàng thì số tiền sinh lời ra cũng không phải là con số ít. Vậy, những thiệt hại đó sau này ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cá nhân người thực hiện công việc đó hay Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm chi trả số tiền đó cho người dân?”.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, đề nghị UBND huyện Long Thành sớm hoàn tất các hồ sơ pháp lý liên quan, giải quyết dứt điểm vụ việc; Đồng thời, xem xét việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân sau khi bị thu hồi đất; Có phương án hỗ trợ đối với diện tích đất, tài sản và cây trồng trên đất khi thu hồi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 356/TB-VPCP; Nghiêm túc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan khi để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, gây bức xúc.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.