Tuyển sinh năm 2020: Không nên bằng mọi giá chạy theo những ngành "hot"
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội năm 2019
Bài liên quan
Thí sinh cần nắm rõ những quy định gì trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội?
Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT
Đối tượng nào được tuyển thẳng vào lớp 10 ở Hà Nội?
Học sinh lớp 12 “chạy nước rút” trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Đại học Kinh tế Quốc dân công bố 3 phương thức tuyển sinh năm 2020
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ
Đón đầu xu thế 4.0 và để thu hút sinh viên, mùa tuyển sinh năm 2020 nhiều trường đại học đều mở thêm ngành “hot” liên quan đến trí tuệ nhân tạo, robot, khoa học dữ liệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân, không nên bằng mọi giá chạy theo các ngành “hot”.
Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ chính quy, mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có một số ngành đào tạo thí điểm như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Sư phạm Lịch sử và Địa lý; Giáo dục tiểu học; Giáo dục mầm non; Điều dưỡng; Hàn Quốc học, Văn hóa học, Nhật Bản học.
Ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới gồm các chuyên ngành: Tiếng Nhật thương mại, Tiếng Trung thương mại; Tiếng Pháp thương mại và Quản trị khách sạn.
Trong khi đó, trường Đại học Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Theo giải thích từ nhà trường, những ngành này đều là thế mạnh của trường. Quản trị du lịch, Logistis sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo.
Theo nhiều chuyên gia, việc mở thêm những ngành học mới xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như những thay đổi trong cơ chế, chính sách và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc một vài ngành "hot" được mở ồ ạt cũng dẫn đến những lo ngại về sự bão hòa của thị trường nhân lực trong tương lai.
Trước khi đưa ra lựa chọn cho mình, thí sinh nên tìm hiểu qua các kênh thông tin về ngành nghề đó hoặc trực tiếp vào các trang web của trường quốc tế mà cơ sở giáo dục đại học Việt Nam liên kết đào tạo để tìm hiểu xem thực sự có chương trình đó hay không. Nếu có thì họ đào tạo như thế nào?
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, 5 nhóm ngành đại học kém lợi thế nhất trong năm 2019 với tỷ lệ nhập học thấp gồm: Ngành Nông lâm nghiệp và Thủy sản (tổng chỉ tiêu 11.582, nhập học 3.776, đạt 32,60%); Khoa học tự nhiên (tổng chỉ tiêu 5.703, nhập học 1.972, đạt 34,58%); Môi trường và Bảo vệ môi trường (tổng chỉ tiêu 7.012, nhập học 3.175, đạt 45,28%); Dịch vụ xã hội (tổng chỉ tiêu 2.969, nhập học 1.357, đạt 45,71%); Khoa học sự sống (tổng chỉ tiêu 6.905, nhập học 3.455, đạt 50,04%).
Có nên “đặt cược” ở nhiều “cửa”?
So với mọi năm, mùa tuyển sinh năm 2020, phương án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Các trường đều có từ 3 đến 5 phương thức tuyển sinh.
Đơn cử có thể kể đến trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường đã “chốt” 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, Hội đồng tuyển sinh của trường chính thức chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật. Nội dung bài thi được thiết kế gọn gồm 2 phần: Toán và đọc hiểu, thời gian làm bài 120 phút. Thời gian thi được ấn định vào ngày 15/8 thay vì 25/7 như dự kiến ban đầu. Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán - Lý hoặc Toán - Hóa) để xét tuyển.
PGS. TS Lê Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Thương mại) cho hay, năm 2020, phương án tuyển sinh của trường này cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, có một số điểm mới thí sinh cần lưu ý vì ảnh hưởng đến quyền lợi. Cụ thể, trường bổ sung tổ hợp D07 (Toán, Anh, Hóa) và tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) đối với các ngành đào tạo đại trà. Đáng chú ý, ngành Tiếng Anh thương mại, vốn chỉ tuyển 1 tổ hợp duy nhất là D01 (Toán, Văn, Anh) thì năm nay, mở rộng cơ hội cho thí sinh bằng 2 tổ hợp nêu trên.
Điểm mới nữa là trước đây thí sinh đã trúng tuyển vào trường mới được đăng ký chương trình đào tạo đặc thù, năm nay cho phép tuyển sinh song song với đào tạo đại trà. Ngoài ra, trường Đại học Thương mại cũng mở rộng đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng. Theo đó, những năm trước chỉ xét tuyển thẳng học sinh giành giải Nhất, Nhì, Ba học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Tiếng Anh, Lý, Hóa thì năm nay thêm giải Khuyến khích nếu đạt ngưỡng đảm bảo của trường.
Với tổng 5.800 chỉ tiêu, năm 2020, phương án tuyển sinh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cơ bản giữ ổn định như năm 2019, có sự mở rộng phạm vi và tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức kết hợp xét hồ sơ, điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, trường xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, dự kiến là 5% trên tổng chỉ tiêu; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Chỉ tiêu dự kiến là 60% trên tổng chỉ tiêu. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến 18 điểm (gồm điểm ưu tiên). Điểm trúng tuyển xác định theo ngành, chương trình. Không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển. Phương thức thứ 3 là xét tuyển kết hợp: Chỉ tiêu dự kiến là 35 - 40% trên tổng chỉ tiêu với 5 đối tượng.
Với phương thức tuyển sinh đa dạng của các trường và không hạn chế số lượng nguyện vọng, đây sẽ là bài toán khó đối với thí sinh khi lựa chọn ngành, nghề cho mình.
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin: Đối với các trường đại học, Bộ vẫn hỗ trợ lọc ảo đợt 1 của mùa tuyển sinh. Thống kê qua các năm của Bộ cho thấy, trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh trúng tuyển chủ yếu ở 1 - 3 nguyện vọng đầu tiên. Đây là những nguyện vọng được thí sinh cân nhắc rất kỹ và thường là những nguyện vọng yêu thích nhất. Vì vậy, nhiều thí sinh dù trúng tuyển ở nguyện vọng xa hơn cũng không nhập học.
“Thí sinh nên tập trung, đầu tư vào mục tiêu chính, không đặt quá nhiều “cửa”. Theo tôi, thí sinh chỉ cần đăng ký dưới 10 nguyện vọng là đủ”, bà Thủy nói.
Đồng quan điểm này, PGS. TS Lê Thị Thanh Hải cho rằng, năm nay, độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp không cao nên mức điểm như nhau sẽ nhiều. Vì vậy tại ngưỡng điểm trúng tuyển dễ xảy ra tình trạng có nhiều thí sinh bằng điểm nhau.
Những năm trước, đã có tình trạng thí sinh đăng ký đến 50 nguyện vọng. Điều này sẽ gây lãng phí cho gia đình và khó khăn cho các trường khi tiến hành lọc ảo. Do đó, thí sinh cần cân nhắc số lượng nguyện vọng. Vì sau khi biết kết quả thi, thí sinh còn một lần điều chỉnh.