Tưng bừng khai mạc Lễ hội Tết Việt năm 2025
TP Hồ Chí Minh: Khai mạc Lễ hội Tết Việt TP Hồ Chí Minh: Sắc xuân trên phố Ông Đồ |
Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Phúc cho biết, trải qua 18 năm tổ chức Lễ hội Tết Việt của Nhà Văn hóa Thanh niên đã trở thành nơi kết nối, chuyên chở, chia sẻ những cảm xúc Xuân tuyệt vời, thu hút hàng trăm ngàn người dân đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.
Tiếp nối hành trình đẹp đó, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 được tổ chức với nhiều hoạt động mừng Tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa giá trị bản sắc và tinh thần văn hóa truyền thống.
Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 13/1/2025 - 2/2/2025 (nhằm ngày 14 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) |
Ông Nguyễn Hồng Phúc cho hay, năm nào cũng thế, khi đến với Lễ hội Tết Việt, chúng ta đều thấy những không gian sắp đặt nghệ thuật mới lạ, khác biệt và năm nay cũng thế, nhưng trong đó vẫn có những nội dung xuyên suốt như Phố ông Đồ, vườn mai, những làng nghề truyền thống... tạo nên tổng hòa không gian lễ hội rực rỡ, sinh động, tinh tế và gợi lên nhiều cảm xúc tích cực, để mọi người có thể bày tỏ tình yêu thương, sự trân trọng với những người thân yêu quanh mình khi Tết đến, Xuân về.
"Điểm nổi bật năm nay chính là một ngôi nhà ở ngay trung tâm không gian lễ hội, được thiết kế theo một phong cách rất riêng của người miền Nam, cụ thể là người dân An Giang. Ngôi nhà được đặt ở đó mang ý nghĩa truyền tải giá trị gia đình chính là cốt lõi, những cảm xúc đẹp nhất trong những ngày Tết đó là sự xum họp, sự đoàn viên, lòng biết ơn... và nhiều những giá trị khác của gia đình Việt", ông Phúc nói.
Đồng chí Ngô Minh Hải, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đánh trống khai mạc lễ hội |
Ban Giám đốc Nhà Văn hoá Thanh niên kỳ vọng Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 sẽ tạo nên một dấu ấn văn hóa đặc sắc, cùng hòa nhịp vào không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập Nhà Văn hóa Thanh niên (4/9/1975 - 4/9/2025).
Đồng thời lễ hội là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của một TP Hồ Chí Minh hiện đại, góp thêm năng lượng, tiếp thêm động lực cho thành phố bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Phúc |
Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 vẫn trung thành với ý tưởng xuyên suốt là: Phố ông Đồ trẻ, không gian hoa mai và làng nghề truyền thống nhằm giữ gìn nét xưa, đồng thời làm mới bằng nghệ thuật tạo hình, phát huy bảo tồn những giá trị cốt lõi, bản sắc của người Việt Nam; cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được diễn ra trong lễ hội.
Phố ông Đồ năm nay được đầu tư công phu và bài bản về cả hình thức và nội dung hoạt động, Phố với hơn 50 ông Đồ trẻ, bày mực tàu giấy đỏ, những vật dụng trang trí gợi nhớ Tết xưa được sắp đặt dọc mặt tiền Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai… Du khách đến tham quan có thể “xin chữ”, trải nghiệm workshop tại chỗ, gửi gắm những ước nguyện ngày xuân của mình vào những câu chúc tốt lành.
Đặc biệt, điểm mới năm nay, Phố ông Đồ được bao phủ bởi khung tre tạo hình khối tựa như những nhà cao tầng hiện đại, màu đỏ tượng trưng cho sung túc may mắn và năng lực dồi dào của một năm mới.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai quang, điểm nhãn |
Ở không gian hoa mai ngày Tết được các nghệ nhân khéo léo tạo hình, sắp đặt hài hòa tạo điểm nhấn về sắc màu thể hiện sự thịnh vượng của mùa xuân; rặng mai vàng kết hợp với hơn 5.000 cây tre được tạo hình nghệ thuật bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch cùng gởi gắm thông điệp về kỷ nguyên vươn mình của nước Việt.
Còn không gian làng nghề truyền thống lại lấy cảm hứng và nét đẹp từ làng gốm Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương; làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Việt Nam năm 2013); làng nghề đan lát Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang… tất cả được sắp đặt và tạo hình khéo léo, gợi nên một không gian Tết yên bình, ấm cúng và hạnh phúc.
Cùng với đó, tại lễ hội còn diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật sôi nổi, tạo nên bầu không khí rộn ràng xuyên suốt, từ những đêm diễn xướng dân gian Nam Bộ, Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, đến biểu diễn Lân Sư Rồng, ca múa nhạc truyền thống, ban nhạc trẻ, biểu diễn thời trang… Những hoạt động nghệ thuật này vừa đem không khí Tết của ba miền tề tựu, vừa để giới thiệu đến khách du Xuân một số di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận.
Không gian ngập tràn sắc Xuân tại Lễ hội Tết Việt 2025 |
Ngoài ra, du khách còn có thể tận hưởng không khí Xuân rộn rã qua việc mua sắm, khám phá những gian hàng ẩm thực đặc sắc tổ chức suốt lễ hội.
Đặc biệt, nhiều chương trình chăm lo Tết, hoạt động tình nguyện, cộng đồng cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ lễ hội nhằm hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn vui Tết, như: Chăm lo Tết cho các em thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; hỗ trợ các em nhỏ cơ nhỡ, mái ấm tình thương vui Tết; “Chuyến xe mùa Xuân”; họp mặt “Sinh viên đón Tết xa nhà”; “Chuyến xe sum vầy” cho công nhân về quê dịp Tết; chương trình “Nghĩa tình mùa Xuân”…