"Truyện cổ Grimm" cuốn sách "gối đầu giường" của tuổi thơ
Ngọt ngào hương vị xưa với cuốn sách "Hoài niệm mứt Tết" |
Các em thiếu nhi luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế giới cổ tích rộng lớn, kì ảo – nơi có các chàng hoàng tử quả cảm và những nàng công chúa đẹp xinh, có các bà tiên nhân hậu nhưng cũng có những mụ phù thủy độc ác, những con quỷ đáng sợ... Ở đó, như các em luôn mong, luôn tin, luôn hi vọng, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, những người hiền lành, ngay thẳng sẽ được hưởng hạnh phúc, còn kẻ ác phải chịu trừng phạt.
Cuốn sách "Truyện cổ Grimm" mới được NXB Phụ nữ Việt Nam gửi đến bạn đọc |
Năm nay, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý vị độc giả, đặc biệt là các bạn nhỏ, "Tuyển tập truyện cổ Grimm" được dịch từ nguyên bản tiếng Đức, với phiên bản bìa hoàn toàn mới, thích hợp làm quà tặng.
Bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn mang đậm màu sắc dân gian Đức, tuyển tập này còn kèm theo minh họa màu sinh động, giúp các em hình dung rõ nét hơn về không gian cổ tích Grimm màu nhiệm, li kì, đầy ắp bất ngờ.
Trong "Lời nói đầu" của cuốn sách, dịch giả Trần Đương viết: "Năm 2005, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 220 ngày sinh Jacob Grimm (1785 - 2005), UNESCO đã công nhận trên 200 truyện cổ tích của Đức do ông và người em là Wilhelm Grimm (sinh sau Jacob một năm) sưu tầm và chế tác lại là di sản văn hóa của nhân loại.
Sự công nhận ấy đồng nghĩa với việc đánh giá rất cao ý nghĩa xã hội cũng như giá trị văn học của truyện cổ Grimm. Có thể xếp nó ngang hàng với truyện cổ Andersen, một tên tuổi lớn của đất nước Đan Mạch...
Trong công cuộc giao lưu văn hóa Việt - Đức, truyện cổ Grimm ngày càng được giới thiệu mạnh mẽ và đầy đủ. Đã có không ít người tham gia vào công việc này, song theo chỗ tôi biết, những người có công lao đặc biệt phải được nói đến là cụ Hữu Ngọc - một nhà văn hóa uyên bác và ông Lương Văn Hồng - một chuyên gia tận tụy về văn học dân gian Đức (gồm truyện cổ tích, tục ngữ và truyện cười)...
Nói đến "Truyện cổ Grimm", tôi có những kỷ niệm khó quên từ thời thơ ấu. Giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, tôi và 148 thiếu nhi Việt Nam - ở lứa tuổi từ 8 đến 13 được Nhà nước cho sang Đức ăn học. Trong những bài học đầu tiên, có truyện cổ Grimm - có thể coi là dấu hiệu ban đầu trong quá trình tiếp xúc với văn hóa và ngôn ngữ Đức. Chó sói và bảy dê con, truyện cổ này được thầy chủ nhiệm lớp Horst Kaestner giảng dạy trong vòng một tuần, chúng tôi đã thuộc làu và có thể kể lại vanh vách bằng nguyên văn tiếng Đức...
Thoạt đầu, việc sưu tầm truyện cổ tích đối với anh em Grimm chỉ là nguồn vui khi nhàn rỗi, song qua nhiều năm tháng, được dư luận đánh giá cao, hai anh em tiếp tục sửa chữa, nâng cao, nó đã trở thành một công việc nghiêm túc, theo đuổi hai ông trong suốt cuộc đời. Những nỗ lực của hai ông được đền đáp bằng tấm lòng trìu mến của công chúng.
Ai cũng thừa nhận rằng, cho đến năm 1857, lần xuất bản thứ 7, bộ sách đã được tiếp tục bổ sung, sửa chữa ngày thêm hoàn hảo. Thế là, từ những câu chuyện rời rạc, không nhất quán ban đầu, lời văn có phần tẻ nhạt, giờ đây các câu chuyện trở nên súc tích, dí dỏm, giàu chất thơ, giàu hình ảnh, đến mức như nhiều nhà nghiên cứu văn học đánh giá, chúng trở thành các tác phẩm cổ điển trong văn học thế giới!
Hans Christian Andersen (1805 - 1875), nhà văn Đan Mạch nổi tiếng về truyện kể cho thiếu nhi, từ tiếp xúc với thành tựu khoa học, sáng tạo và con người trong đời sống, đã viết: “Jacob Grimm là một nhân vật mà ai cũng phải yêu mến và gắn bó!”.
Chúng ta sẽ hiểu vì sao "Truyện cổ Grimm" trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân Đức. Từ những truyện ấy, nhiều bộ phim, vở kịch, bức tranh, nhạc khúc… đã ra đời!
Như vậy, nói một cách chung nhất, các truyện mà anh em Grimm ghi lại và nâng cao đều mang nội dung chủ yếu là những ước mơ, niềm khát vọng của con người thuở xa xưa. Đó cũng là nét chung nhất trong các truyện cổ của mọi dân tộc mà Maxim Gorki từng chỉ ra. Những ước mơ được vui sống, những khát vọng chất phác nhưng thấm đẫm chất nhân văn của con người trong lao động, trong cuộc sống bình thường.
Nó chất phác, bình dị, song cũng là khởi nguồn cho nhân loại từ xa xưa đến hôm nay, mãi mãi không hề thay đổi: Chính nghĩa thắng phi nghĩa, cái thiện thắng cái ác. Bọn xấu phải bị trừng trị, lên án. Những nguời tốt, dù phải trải qua bao tai ương, thử thách, cuối cùng cũng được đến với hạnh phúc, hưởng sự công bằng.
Các quy luật của đạo đức, niềm khát vọng ấy được lưu giữ, phát triển như nguồn nước trong lành, tinh khiết trong các truyện cổ Grimm cũng như trong kho tàng văn học dân gian nói chung. Đương nhiên, không phải tất cả các truyện cổ Grimm đều chứa đựng nội dung cơ bản đó. Ngược lại, có truyện không nhằm mục đích giáo dục mà chủ yếu gây tiếng cười hóm hỉnh, thích thú".