Trưởng thôn chủ động phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả
Chủ động phòng chống dịch
Rạng sáng 21/5, khi vừa dỡ bỏ phong tỏa, người dân thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng (Đông Anh) đều chung một cảm xúc vui mừng. Có được những ngày bình yên để dỡ bỏ lệnh phong tỏa, ngoài sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, mọi người dân đều yêu mến nhắc đến người “vác tù và hàng tổng” Nguyễn Hữu Phan - trưởng thôn ngày đêm “cắm chốt” ở nhà văn hóa để nắm bắt và chỉ đạo công tác phòng chống dịch trong thôn.
Trưởng thôn Nguyễn Hữu Phan đại diện Nhân dân thôn Lỗ Giao nhận quyết định rút chốt, hết phong tỏa rạng sáng 21/5 |
Kể về những ngày khi mới bắt đầu phát hiện thôn mình có 2 đối tượng F1, anh Nguyễn Hữu Phan cho biết: “Khi Ban chỉ đạo xã Việt Hùng triển họp với Trung tâm Y tế Huyện Đông Anh về việc phát hiện 2 trường hợp F1 tại thôn Lỗ Giao, tôi xác định, 2 F1 này tiếp xúc rất gần với F0, chắc chắn có nguy cơ dương tính rất cao”.
Vì thế, đêm 29/4, anh Phan rà soát các đối tượng tiếp xúc với F1 đến tận 4 giờ sáng hôm sau và lại tiếp tục họp ngay với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của thôn, kích hoạt 7 tổ dân cư toàn thôn. Nhận thấy lịch trình tiếp xúc của đối tượng F0 trước đó với đối tượng ở thôn Lỗ Giao rất phức tạp, vị trưởng thôn đầy trách nhiệm này đã bình tĩnh phân công, chỉ đạo tất cả các thành viên… chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn, cơ sở vật chất phòng chống dịch.
Anh Nguyễn Hữu Phan, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng |
“Khi Ban chỉ đạo Xã gọi về, tôi báo cáo thôn đã chuẩn bị xong mọi phương án, chủ động chuẩn bị mọi tình huống chỉ chờ chỉ đạo của cấp trên xem dựng chốt như thế nào…
Lúc nhận được thông báo 2 ca F0 trong thôn, tôi cũng không ngạc nhiên gì vì trước đó đã tính đến khả năng này. Tôi cắt cử các bộ phận dân cư an toàn, mỗi bộ phận phụ trách một việc. Riêng hai trường hợp F0, tôi phân công Phó Bí thư Chi bộ thôn và phó trưởng thôn mỗi người phụ trách 1 trường hợp, rà soát mọi đối tượng tiếp xúc, khoanh vùng tất cả F1, F2.
Người dân trong thôn đến làm xét nghiệm được hẹn giờ, ngồi đảm bảo khoảng cách để phòng, chống dịch |
Khi khoanh vùng, khống chế được rồi, đến ngày 3/5, Trung tâm Y tế Huyện về lấy mẫu người dân xét nghiệm. Cả thôn có gần 2.300 nhân khẩu, tôi chia ra làm 10 điểm rồi lập danh sách, bố trí thời gian để họ tới xét nghiệm. Mục đích, khi người dân tập trung vẫn giữ được khoảng cách, an toàn phòng, chống dịch”, anh Phan kể.
“Chung thân” ở nhà văn hóa thôn
Được biết, khi phát hiện F0, anh Phan là người “chung thân” ở nhà văn hóa thôn, chỉ về nhà để ăn cơm và thay quần áo. Thời gian còn lại, anh đến nhà văn hóa theo dõi mọi diễn biến trong thôn, trợ giúp mọi người nấu cơm mang đến các hộ gia đình hoặc giải quyết chế độ cho người dân khi họ buộc phải nghỉ làm để thực hiện giãn cách…
Trong 21 ngày phong toả, điện thoại của anh Phan lúc nào cũng trong tình trạng “cháy máy” vì các cuộc gọi của người dân. Theo đó, mọi việc từ lớn đến nhỏ, họ đều gọi trưởng thôn.
“Công tác phòng chống dịch đã vất vả cộng theo rất nhiều việc trong thôn, việc gì người ta cũng gọi đến tôi, từ đau chân, đau tay, bệnh lý nền phải uống thuốc định kỳ… Tôi đã chỉ đạo rà soát tất cả đối tượng phải mua thuốc hằng tháng, dùng thuốc hằng ngày, sau đó cầm danh sách thống kê để lấy thuốc về cho mọi người. Từ đó, mọi người yên tâm ở trong nhà, công tác tuyên truyền vận động Nhân dân được hiệu quả hơn”, anh Phan chia sẻ.
Trưởng thôn Nguyễn Hữu Phan (ngoài cùng bên phải) thay mặt các nhà hảo tâm trao quà cho người dân |
Điều đáng nói, anh Phan còn ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả vào công tác phòng chống dịch của thôn. Vị trưởng thôn nhanh nhạy lập nhóm phòng chống dịch của thôn trên Zalo, Facebook để cập nhật thông tin xã hội và tình hình trong thôn, ai đến, ai đi, rà soát toàn bộ biến động của thôn…
Được tin tưởng, ghi nhận
Ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, nhận xét: “Đồng chí Nguyễn Hữu Phan, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Lỗ Giao là cán bộ thôn rất trách nhiệm, nhiệt tình, trong quá trình phòng chống dịch. Thôn Lỗ Giao với 2.296 nhân khẩu. Trước khi diễn biến dịch xảy ra trên địa bàn, thôn Lỗ Giao luôn chủ động trong việc phòng chống dịch, luôn đề cao hơn một mức so với bình thường.
Đêm 29 và ngày 30/4, phát hiện trong thôn có 2 ca F0 qua thông tin của Trung tâm Y tế Huyện, đồng chí Phan đã chủ động thực hiện mọi công tác chuẩn bị. Với trách nhiệm của mình, đồng chí kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch trong thôn, đặc biệt là 7 tổ giám sát cộng đồng, ban công tác Mặt trận các đoàn thể. Với hơn 2.000 nhân khẩu thì có rất nhiều vấn đề phải lo, đồng chí đã phát động đảng viên, Nhân dân cùng chủ động phòng chống dịch như khẩu hiệu của Thủ tướng: “Mỗi người dân, mỗi gia đình là một chiến sĩ, một pháo đài phòng chống dịch”.
Vị trưởng thôn với công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử |
Đồng chí Phan đã cùng cán bộ đảng viên nêu gương, tuyên truyền… từ đó, hơn 400 hộ gia đình trong thôn Lỗ Giao đã chủ động, bình tĩnh, tự tin, không hoang mang, dao động, không lo lắng nhưng cũng không coi thường. Trong vòng 21 ngày, thôn không có xuất hiện thêm bất cứ 1 ca nào, hoạt động đời sống cửa người dân ổn định, không ai bị thiếu túng gì”.
Với những việc đã làm, anh Phan được người dân yêu mến và các lãnh đạo cấp trên tin tưởng, ghi nhận. Ngày 16/5 vừa qua, anh Phan được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho đã có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hiệu quả từ công tác phòng chống dịch Covid-19 "3 lớp" Sự nỗ lực và sáng tạo của trưởng thôn Nguyễn Hữu Phan, sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của UBND huyện Đông Anh, chính quyền xã Việt Hùng, công tác phòng chống dịch đã đạt hiệu quả cao. Theo đó, công tác phòng chống dịch tại thôn Lỗ Giao được chia làm 3 lớp: Lớp chốt cứng (vòng 1 - chốt tại gia đình), các tổ Covid-19 cộng đồng của thôn cũng như ngõ xóm giám sát toàn bộ F2 và gia đình, những người đi đến ở từ các tỉnh. Chốt mềm (vòng 2) do 7 tổ Covid-19 cộng đồng với 21 thành viên đại diện các xóm, ngõ thực hiện. Chốt này ở các ngõ xóm. Toàn thôn có hơn 20 ngõ xóm, cứ mỗi ngõ có thành viên chịu trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở đặc biệt là với người thuộc diện cách ly thực hiện công tác phòng chống dịch. Đồng thời, chốt này là nơi trung chuyển giữa vòng 1 và vòng 3, thực hiện, chuyển thông tin, tín hiệu, cơ sở vật chất… vừa giám sát, vừa cận kề với đối tượng F1, F2, giáo dục, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hỗ trợ họ trong thời gian cách ly tại nhà. Chốt cứng (vòng 3): Kiểm soát y tế toàn thôn. |