“Trùm” đường dây tổ chức đánh bạc cùng 52 đồng phạm lĩnh án
Nguyễn Minh Thành cùng 52 đồng phạm bị đưa ra xét xử tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc |
Làm rõ phần thu lợi bất chính từ đánh bạc
Theo cáo trạng, năm 2017, Nguyễn Minh Thành (35 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) nảy sinh ý định xây dựng hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài đổi thưởng. Cuối năm 2019, Thành mua một mã nguồn game bài đổi thưởng rồi bàn với Vũ Tiến Duy, Bùi Nhật Anh, Trần Đức Cường, Phạm Trung Thành cùng tham gia lập trình phần mềm game bài, lấy tên là SOCVIP.
Thành phụ trách chung các mảng, Duy và Nhật Anh lập trình hệ thống, Cường và Trung Thành lập trình giao diện trên web, ứng dụng trên nền tảng di động (iOS và Android). Sau đó, Minh Thành liên hệ thuê máy chủ ở nước ngoài để chạy thử. Game bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2020. Đến tháng 2/2021, Thành đổi tên game bài SOCVIP thành SUMVIP. Ngoài ra, Thành mở thêm một game bài mới VUACLUB.
Để tham gia trò chơi, người chơi nạp tiền mua SOC qua các hình thức nạp thẻ viễn thông, nạp tiền vào hệ thống 4337 ví điện tử MoMo, hoặc chuyển khoản ngân hàng qua hệ thống đại lý trung gian mà Nghĩa quản lý. Người chơi nạp tiền với tỷ lệ 100.000 đồng mua được 100.000 SOC. Nếu người chơi muốn rút tiền thì thông qua các đại lý của game để đổi SOC ra tiền mặt dưới hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, theo tỉ lệ 100.000 SOC đổi được 83.000 đồng.
Cơ quan tố tục cáo buộc, từ tháng 4 đến tháng 8/2021, tổng số tiền người chơi đã nạp vào game qua ví điện tử MoMo, thẻ cào điện thoại, Viettel Pay, chuyển khoản đại lý là hơn 1.184 tỷ đồng. Tổng số tiền các đối tượng tổ chức đánh bạc hưởng lợi là hơn 167 tỷ đồng.
Bị đưa ra xét xử, "ông trùm" cờ bạc Nguyễn Minh Thành khai số tiền hưởng lợi từ việc tổ chức đánh bạc là 45 tỷ đồng, không phải gần 97 tỷ như cáo trạng quy kết. Số tiền hưởng lợi này, Thành chia cho nhóm lập trình viết phần mềm của Duy, Cường, Nhật Anh là 30 tỷ đồng; nhóm chạy server 10 tỷ đồng, nhóm quảng cáo 10 tỷ đồng...
Thành nói, dù cáo buộc cả đường dây được hưởng lợi 167 tỷ đồng, nhưng ngoài tiền chia cho đàn em, bị cáo phải dùng hàng chục tỷ đồng để duy trì, vận hành bộ máy, trả các khoản nợ... Do đó, Thành chỉ được hưởng lợi khoảng 45 tỷ đồng.
Về tài sản các bị cáo bị thu giữ, HĐXX liệt kê và xác định nguồn gốc. Theo đó, số tài sản liên quan đến Thành gồm 2 căn chung cư tại quận Đống Đa và Ba Đình; 5 ô tô gồm Mercedez Benz, Land Rover, Ford Ranger, Porsche Panamera và Mercedes G63; 300.000 USD, 116 lượng vàng và 38,5 tỷ đồng cùng 8 tài khoản ngân hàng bị phong tỏa có tổng số dư hơn 10 tỷ đồng.
Tại phiên xử, Thành khai các căn hộ và ô tô đều là tài sản đứng tên bố mẹ đẻ, vợ, hoặc bố mẹ vợ. Bố mẹ Thành khẳng định căn chung cư ở Đống Đa và ô tô là họ tự mua bằng tiền tích cóp cá nhân, không liên quan đến con trai. Vợ Thành cho biết, căn hộ được bố mẹ ruột cho tiền mua và đứng tên cô, Thành chỉ ở đó và không đóng góp gì vào việc mua căn nhà này. Chiếc xe ô tô Porsche Panamera cũng của nhà vợ, không liên quan đến Thành. Được gọi đối chất, Thành khẳng định lời khai của bố mẹ đẻ và vợ là đúng.
Bị cáo (áo đen, hàng đầu bên trái) đứng nghe Toà tuyên án |
Các bị cáo nhận tội, xin Toà mở lượng khoan hồng
Tại phiên xử sơ thẩm, các đàn em đắc lực nhất của Nguyễn Minh Thành gồm Vũ Tiến Duy (35 tuổi); Bùi Nhật Anh (30 tuổi); Phạm Trung Thành, Trần Đức Cường (cùng 27 tuổi) đều thừa nhận hành vi phạm tội. Các bị cáo khai, lúc đầu khi viết code, quản lý các phần mềm hoặc chạy quảng cáo 2 game bài đã không nhận thức được đó là vi phạm pháp luật. Sau này bị bắt, được công an phân tích, các bị cáo mới nhận thấy sai phạm của mình.
Theo cáo buộc, nhóm bị cáo này tùy chức năng và mức độ tham gia đường dây, được Thành chia lợi ít nhất 150 triệu đồng, cao nhất 17,8 tỷ đồng. Đối với số tiền hưởng lợi, nhóm đàn em "thân tín" của Thành cho rằng được chia bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, coi như làm công ăn lương, không nghĩ đó là tiền phạm tội mà có.
Được nói lời sau cùng trước khi Toà nghị án, các bị cáo đều kính mong HĐXX Toà án Nhân dân quận Nam Từ Liêm xem xét các tình tiết giảm nhẹ để họ được hưởng mức án nhẹ nhất… "Bị cáo đã biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Bị cáo có bố mẹ già yếu, vợ đang nuôi 2 con nhỏ nên mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được hưởng án treo về giúp đỡ gia đình", bị cáo Nguyễn Trung Kiên trình bày.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số tài sản tang vật thu giữ của các đối tượng tổ chức đánh bạc |
Sau khi xem xét toàn diện vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc trực tuyến, chiều 5/4, HĐXX Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm đã tuyên án sơ thẩm đối với Nguyễn Minh Thành cùng 52 đồng phạm. HĐXX đánh giá, các bị cáo đã sử dụng mạng máy tính, viễn thông tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Cụ thể, đối với các bị cáo thuộc nhóm Tổ chức đánh bạc, trong đó có nhiều bị cáo tham gia nhưng không có thỏa thuận hưởng lợi, làm việc dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Minh Thành và hưởng lợi số tiền bất chính đặc biệt lớn. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội.
Nguyễn MinhThành được xác định là người cầm đầu nên phải chịu mức án cao nhất, do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Thành mức án 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, phạt tiền bổ sung 30 triệu đồng. Cùng tội danh trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Vũ Tiến Duy (35 tuổi) mức án 3 năm 6 tháng tù; Trần Đức Cường (27 tuổi) 3 năm tù.
Đối với 50 bị cáo còn lại ở các nhóm tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc, HĐXX tuyên phạt từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 39 tháng tù. Trong số này có 8 bị cáo là "đàn em" của Thành phạm tội ở nhóm Tổ chức đánh bạc lĩnh án bằng thời gian tạm giam, được trả tự do tại tòa.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo có nghĩa vụ nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi bất chính. Cụ thể, Nguyễn Minh Thành được xác định hưởng 123 tỷ đồng, bị tịch thu sung công quỹ hơn 47 tỷ đồng, 116 lượng vàng, 300.000 USD và các tiền trong tài khoản. Ngoài chiếc ô tô Mercedes G63 bị tịch thu sung công quỹ, 4 xe sang còn lại gồm Mercedez Benz, Land Rover, Ford Ranger, Porsche Panamera và 2 căn hộ đều được tòa tuyên trả lại cho gia đình Thành.