Trẻ mầm non ở Hà Nội sẽ được học đại trà nếp sống thanh lịch, văn minh
Học sinh Hà Nội đoạt 4 huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế IJSO Trở lại trường: Học sinh lớp 12 và thầy cô đều chịu áp lực Học sinh Hà Nội làm phim ngắn lan tỏa yêu thương |
Đó là nội dung chính trong kế hoạch "Triển khai giảng dạy đại trà tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho cấp học mầm non trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2021-2025" được UBND Hà Nội mới ban hành.
Đảm bảo tính liên thông, đồng bộ
Theo đó, thành phố sẽ triển khai dạy đồng bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” ở lớp mẫu giáo từ 5 đến 6 tuổi và trẻ em 5-6 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Các bé được tăng cường giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh, kỹ năng tự phục vụ, giúp các em chuẩn bị tốt tâm thế vào lớp một.
Các cơ sở giáo dục mầm non sẽ phối hợp chặt chẽ với cha mẹ, người chăm sóc trẻ để dạy trẻ các kỹ năng, hành vi văn minh, thanh lịch trong các hoạt động của trẻ ở lớp, ở nhà và mọi lúc, mọi nơi. 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non có hành vi, phong cách đẹp, là tấm gương về nếp sống thanh lịch, văn minh để trẻ em noi theo...
Thành phố phấn đấu 100% trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi nhận biết được những hành vi đúng và đẹp, bước đầu có kỹ năng, thói quen rèn luyện hành vi đẹp của bản thân trong đời sống hằng ngày theo chuẩn mực xã hội và văn hóa người Hà Nội.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2019 - 2020, thành phố tiếp tục chỉ đạo biên soạn, thẩm định tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” dùng cho trẻ em 5 - 6 tuổi. Việc triển khai giảng dạy giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh từ lứa tuổi mầm non (5 - 6 tuổi) nhằm bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho tuổi trẻ học đường của Thủ đô.
Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh từ lứa tuổi mầm non hướng tới tạo thói quen cho mỗi trẻ khi thể hiện các hành vi của bản thân trong đời sống hằng ngày sao cho đúng và đẹp; từ đó gieo mầm trong nhận thức của trẻ về nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.
Để học sinh tự hào là công dân Thủ đô
Trước khi áp dụng dạy đại trà nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh mầm non, Hà Nội đã
Ảnh minh họa |
là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thiết kế một bộ tài liệu riêng về đạo đức, lối sống thanh lịch cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn.
Từ năm học 2010 - 2011, bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” được đưa vào giảng dạy trong các trường học của TP.
Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh nên theo đánh giá của nhiều giáo viên, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ giữa người với người như đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu hòa nhã hơn.
Qua nhiều năm thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá, bộ tài liệu đã góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành người học sinh thanh lịch, văn minh.
Các trường học trên địa bàn TP đã thực hiện lồng ghép giảng dạy những nội dung trong bộ tài liệu trong các môn học khác như: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân… kết hợp trong giáo dục đạo đức, hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt đoàn, đội… Từ đó, học sinh ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội và cảm thấy tự hào với vai trò của những công dân Thủ đô trong tương lai.
Phần lớn giáo viên đều cho rằng bộ tài liệu về “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” rất hay, ở chỗ cho phép giáo viên có thể vận dụng nhiều tình huống thực tiễn, không hề cứng nhắc.
Ngay trên lớp học, các cô có thể dựng các tình huống như: Đi đường va chạm xe, ứng xử thế nào? Gặp người già đi qua đường, em nên làm gì? Thấy các bạn đánh nhau, việc đầu tiên cần làm là gì? Từ tình huống thực tế đó, các em được trình bày nguyện vọng cá nhân, các thầy cô có thể nắm bắt được tâm tư của học sinh để có những giáo dục, định hướng cho phù hợp.
Bộ tài liệu này có tính “mở” khi không chỉ các em học sinh và giáo viên tham gia, mà còn có những phần tương tác với phụ huynh, học sinh, tạo sự liên kết giữa gia đình và nhà trường.
Chị Trương Ngọc Hân, có hai con học ở hai cấp học THCS, THPT bày tỏ niềm vui rằng: "Hàng ngày ở gia đình, con có những chuyển biến tích cực như ăn uống từ tốn, chọn trang phục phù hợp, gọn gàng, biết thưa gửi với mọi người, lễ phép và tình cảm".