Trẻ mầm non nhiều địa phương đến trường, phụ huynh Hà Nội thấp thỏm mong chờ
Hà Nội cho học sinh từ lớp 7 đến 12 đi học trực tiếp TP Hồ Chí Minh cho phép học sinh test âm tính đi học trở lại sau 7 ngày Bộ GD&ĐT đề nghị Hà Nội tổ chức học bán trú khi học sinh đến trường |
Trẻ em nhiều tỉnh, thành quay lại học trực tiếp
UBND tỉnh Hà Nam quyết định cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn đi học trực tiếp tại trường từ ngày 1/4.
UBND tỉnh Hà Nam giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh, đi học trực tiếp bảo đảm an toàn, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, từ ngày 23/2, do số ca mắc COVID-19 tăng cao, toàn bộ trẻ mầm non ở Hà Nam tạm nghỉ học, học sinh tiểu học và lớp 6 tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Học sinh tiểu học đi học (Ảnh minh họa) |
Tương tự, tại Phú Thọ, Sở GD&ĐT thông báo từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Còn ở tỉnh Điện Biên, các trường bậc mầm non và tiểu học tại thành phố Điện Biên Phủ sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/4. Trong khi đó, học sinh THCS ở đây chuyển sang học trực tiếp từ ngày 30/3.
Trước đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, UBND tỉnh Điện Biên cho 18 cơ sở giáo dục tại thành phố Điện Biên Phủ tạm dừng đến trường từ ngày 22/2 để chuyển hình thức học phù hợp.
Trong trạng thái bình thường mới ứng phó với dịch COVID-19, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình quyết định cho bậc tiểu học đi học trở lại từ ngày 4/4. Tùy điều kiện thực tế, các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú.
Sở nhấn mạnh giáo viên quan tâm sát sao việc học tập của học sinh, phân loại học sinh theo mức độ nắm vững kiến thức, nhất là các nội dung không được học trực tiếp, để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung các nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh.
Học sinh tiểu học ở tỉnh này chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21/2 do mưa rét. Sau đó, ngày 24/2, Sở GD&ĐT ra văn bản về việc tiếp tục tạm dừng đến trường đối với học sinh tiểu học do tình hình dịch COVID-19.
Tại Nghệ An, theo văn bản hướng dẫn về kế hoạch dạy học của tỉnh trong giai đoạn mới do Sở GD&ĐT đưa ra, từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh chương trình chăm sóc, dạy học để đảm bảo kế hoạch năm học.
Với giáo dục phổ thông, các trường cần tiếp tục rà soát để bổ sung thiết bị thu phát, đường truyền, bố trí bộ phận kỹ thuật hỗ trợ các tiết dạy ở lớp học trực tuyến - trực tiếp khi có học sinh, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế.
Sở GD&ĐT Nghệ An lưu ý tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đảm bảo kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022.
Phụ huynh Hà Nội thấp thỏm mong chờ
Ngày nào chị Trịnh Thị Thu Hằng (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đọc báo, tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, nghe ngóng các diễn đàn để cập nhật tình hình xem khi nào trẻ mầm non được đi học trở lại.
Nhiều phụ huynh phải nghỉ việc hơn một năm để ở nhà trông con, khó khăn chồng chất khó khăn |
Hơn một năm nay, chị Hằng phải xin nghỉ việc để ở nhà trông 2 con gái hơn 3 tuổi. Không có thu nhập trong khi mọi chi phí sinh hoạt đều tốn kém hơn nhiều, chị Hằng cảm thấy stress vì bản thân không được giao tiếp với thế giới xung quanh và các con suốt ngày phải tha thẩn ngoài hành lang chơi một mình hoặc xem tivi cho nhanh hết ngày.
Chị Hằng chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là các con nhanh được đến trường. Nghỉ học quá lâu, các cháu mất hết nề nếp, thói quen sinh hoạt”.
Cũng áp lực không kém khi có 3 con đều nghỉ học hoặc học online ở nhà, hơn một năm nay, chị Thu (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày nào cũng tranh thủ thời gian đi lại như con thoi giữa cơ quan và nhà. Sáng chị hối hả dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho 2 đứa lớn, rồi thúc giục đứa bé dậy để mang đi gửi. Phải lắp camera để theo dõi 2 con lớn học online ở nhà nhưng chị vẫn không thể yên tâm. “Lực học của các con giảm sút đi trông thấy. Tôi phải cho con học thêm gia sư, kèm cặp buổi tối rất nhiều nhưng cũng không mấy khả quan”, chị Thu giãi bày.
Đây không chỉ là mong muốn của riêng phụ huynh mà còn là niềm mong mỏi của nhiều thầy cô. Cô Nguyễn Thị H - giáo viên một trường tiểu học ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Dù giáo viên nỗ lực triển khai tốt việc học trực tuyến nhưng vẫn không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Với khối 1, 2, phụ huynh không thể phối hợp kèm cặp con sát sao như trước do phải đi làm. Giáo viên thường xuyên trao đổi, thậm chí nhắc nhở phụ huynh theo sát con làm bài tập về nhà”.
Cô H đánh giá, việc học online khiến chất lượng học sinh giảm sút hơn so với năm trước, học sinh tính toán và tập đọc tốc độ cũng chậm hơn. Dù chỉ còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học nhưng vẫn cần cho các em tới trường vừa củng cố kiến thức, vừa giải phóng năng lượng tiêu cực trong tâm lý. Nếu cả năm không được tới trường học trực tiếp, gánh nặng kiến thức và tâm lý sẽ dồn sang năm học sau khiến cả cô và trò vất vả hơn.
Về vấn đề cho học sinh đi học, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, Sở đang phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các phương án tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, sau khi triển khai tiêm vắc xin cho lứa tuổi này đơn vị sẽ lên kế hoạch mở cửa trường trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh. Sở chưa có phương án đề xuất thời gian cho trẻ khối mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại.
Trước đó, ngày 28/3, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 28/3, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành Y tế đảm bảo sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi. Khi có thuốc, có phác đồ, các đơn vị phải triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi hồi năm 2021.