Tranh luận về chữ P và Ph: Tiếng Việt không của riêng ai
Sách giáo khoa mới sẽ khắc phục tình trạng chép văn mẫu trong thi cử |
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tranh luận, thảo luận các nội dung kỳ họp |
Dạy chữ P bằng kinh nghiệm chứ không phải theo sách
Theo nhiều giáo viên dạy lớp 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế dạy gộp một số chữ cái như: P, Ă, Â. Thực tế, giáo viên dạy sẽ chỉ cần giới thiệu để học sinh nhận biết mặt chữ, cách đọc và viết để ghép với các con chữ khác. Đa số giáo viên đều cho rằng, nếu chữ P được tách ra riêng 1 tiết, giáo viên sẽ dạy học sinh kỹ và chắc hơn.
Cô Phạm Thị Vĩ cùng các giáo viên dạy lớp 1 ở trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên) hiện đang dạy học sinh chữ P ở bảng chữ cái và trong bài học vần về âm Ph. Trên thực tế, để ghi nhớ âm P và Ph, không chỉ có các cô ở Tiểu học Ngọc Lâm mà nhiều giáo viên khác bằng kinh nghiệm dạy học đã cho học sinh tự tìm từ có nghĩa với các chữ trên và đưa thêm nhiều ví dụ cho âm P và Ph. Ở phần viết, các cô cũng tự hướng dẫn học sinh chữ P trước rồi mới thêm chữ H thành chữ Ph…
Nhiều giáo viên đang dạy chữ P theo kinh nghiệm (Ảnh minh họa) |
Được biết, cách dạy nêu trên đều dạy theo kinh nghiệm chứ không phải được tập huấn hay có hướng dẫn trong sách của giáo viên về vấn đề này. Để học sinh ghi nhớ được và mở rộng vốn từ, giáo viên thường cho các em ôn tập lại những vấn đề đã học vào buổi thứ 2 trong ngày.
Cô Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Hoàng Diệu (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, nhiều sách đều dạy chữ P nhưng ở bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống chỉ dạy lướt qua. Chữ P trong bộ sách này có trong bảng chữ cái nhưng trong phần nội dung thì chỉ dạy ghép với chữ H để tạo thành chữ Ph.
Cô Thủy chia sẻ: “Tôi dạy lớp 1 được hơn 20 năm. Trong quá trình dạy học, tiếp xúc với một số bộ sách giáo khoa, tôi thấy rằng bộ Kết nối tri thức với cuộc sống nặng hơn, học sinh phải học chữ cái nhiều hơn, có bài học đến 4, 5 chữ.
Trong bộ sách này, việc dạy chữ P rất lướt, giáo viên phải tự tìm hiểu và mở rộng để dạy học sinh. Nếu chỉ học bảng chữ cái thôi không học riêng chữ P thì khi các con gặp phải chữ này mà cần ghép âm để đọc sẽ bị lúng túng.
Tôi cho rằng, cách dạy chữ P trong những bộ sách trước sâu hơn. Học sinh sẽ phát âm chuẩn, được luyện đọc, luyện viết và ghép âm kỹ càng hơn. Lớp 1 không chỉ học chữ cái mà khi gặp những từ khác, các em có thể tự ghép vào để đọc và hiểu”.
Nhiều giáo viên tiểu học cho rằng, sách giáo khoa lớp 1 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nội dung ổn nhưng nên cho thêm những tiếng, từ mà âm P xuất hiện độc lập trong cả phần đọc và viết ở phần ngữ liệu tiếng và mở rộng cho học sinh.
Bởi nếu giáo viên dạy theo sách và theo hướng dẫn trong sách thì cũng chỉ dạy lướt chữ P thôi. Như thế, các em sẽ chỉ biết những từ trong sách và bị lúng túng khi gặp âm và chữ này trong cuộc sống.
“Dạy gộp cũng được nhưng phải có thêm ngữ liệu. Có 2 cách, một là cho thêm ngữ liệu luôn vào phần có chữ P độc lập; Hai là trong sách giáo viên, gợi ý thầy cô cho học sinh viết và đọc, tìm thêm những tiếng, từ có âm P, như thế sẽ không thay đổi mô típ của sách”, một giáo viên nêu ý kiến.
Xét về từ ngữ phải tính đến cả từ chung lẫn riêng
Có thể nói, dù ít dùng nhưng chữ P vẫn nằm trong bảng chữ cái và nó vẫn nằm trong những tên vật dụng, âm thanh, địa danh hàng ngày phải sử dụng. Có thể trong giáo dục nhiều thứ không dạy nhưng trẻ sẽ dần tiếp cận qua các kênh khác nhau mà các em vẫn đọc được. Tuy nhiên nếu đứng ở quan điểm giáo dục, khi đã xuất hiện trong tiếng Việt thì về nguyên tắc là phải dạy, không thể nói đứng trước hay đứng sau thì không dạy.
Nhiều ý kiến cho rằng, chữ P nên dạy kỹ càng hơn thay vì dạy lướt như trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Ảnh minh họa) |
PGS. TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, quan niệm tiếng Việt là tiếng phổ thông hiện nay không phải là tiếng của riêng người Kinh. Ngôn ngữ chính thức của một quốc gia là ngôn ngữ được hình thành từ sự giao lưu văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong nước và với cả nước ngoài. Tiếng Việt cũng vậy, nó là kết quả của giao lưu văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc trên đất Việt Nam và với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Xét về các từ ngữ của một ngôn ngữ phải tính đến cả từ chung lẫn từ riêng.
“Vì thế dù là tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài khi đã du nhập vào Việt Nam thì phải coi nó là tiếng Việt chứ, sao lại loại ra rồi bảo nó là ngoại lai mà không học? Giải thích như thế là không ổn!
Đối với chữ cái P, khi xét vị trí của nó trong tiếng Việt, phải tính đến cả vị trí của nó trong các từ chung và từ chỉ tên riêng. Như thế, chữ P xuất hiện rất nhiều trong từ ngữ tiếng Việt, đặc biệt là trong những từ ngữ dân tộc thiểu số có chữ P độc lập hoặc đi với nguyên âm đã gia nhập ngôn ngữ phổ thông của Việt Nam.
Việc bỏ không dạy chữ P độc lập và chữ P đi với nguyên âm là một việc làm khó hiểu và không thể biện minh", PGS. TS Nguyễn Văn Dân bày tỏ.
Về vấn đề chữ P và Ph trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống gây tranh cãi trong những ngày qua, chiều 24/2, PGS. TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, đã chính thức trả lời báo chí. Theo đó, PGS. TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD&ĐT (trang 12, tập 1)… Vấn đề là dạy âm P như thế nào thì trong tiếng Việt âm này xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết; Trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết. Việc dạy âm P cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến), qua loạt bài dạy vần ở tập 1 như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124)… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen…) thì có thể thấy rõ, SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có dạy âm P cuối và nhiều. Còn về việc dạy âm đầu P (pờ), tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: Học xong lớp 1, học sinh có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau. Cách thứ nhất: Dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm Ph (âm phờ). Trước khi học âm Ph, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P. Cách thứ hai: Dạy âm P riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để học tập đọc và phát triển vốn từ. Lý giải việc việc chọn cách thứ nhất trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, PGS. TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng, âm P và Ph đều được học trong phần âm, ở khoảng tuần 5 hoặc 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô...; Không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì… vì 2 lí do: Học sinh chưa được học âm S (trong Sa Pa) và vần Âm (trong Nậm Pì); Thông thường, tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Mới chỉ được học 5 - 6 tuần mà học sinh phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô... là không phù hợp. Chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại vì học sinh lớp 1, mới đến trường mấy tuần, mà phải đọc, viết và hiểu nghĩa của những từ không quen thuộc như vậy... PGS. TS Bùi Mạnh Hùng cũng ghi chú thêm: Trong tiếng Việt, trong khi âm cuối P được mặc nhiên thừa nhận dựa trên hàng loạt cứ liệu thực tế như các từ đã được nêu trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì nhiều nhà ngữ âm học hàng đầu, “ông tổ” của ngành Ngữ âm học Việt Nam, không coi tiếng Việt có âm đầu P (xem Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm học tiếng Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, trang 157 - 158; Hoàng Tuệ và Hoàng Minh (Cao Xuân Hạo), Remarks on the Phonological Structure of Vietnamese, Vietnamese Studies: No 40, p. 76). Như vậy, nếu có coi tiếng Việt có âm đầu P thì đó không phải là việc hiển nhiên và âm đầu P không phải có vị trí “bình đẳng” như các âm đầu khác trong tiếng Việt. Âm này xuất hiện trong các từ vay mượn như: Pi-a-nô/piano, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô, pê-nê-xi-lin… các âm tiết được viết liền hoặc có dấu nối. Ngoài ra, âm đầu P có thể xuất hiện ở một số tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì…). Trong miêu tả ngữ âm học, tất cả các hiện tượng ngữ âm thuộc từ vay mượn mà chưa Việt hóa (pi-a-nô/piano, pê-nê-xi-lin, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô…), tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì…), cùng với từ tượng thanh, từ cổ… đều thuộc hiện tượng ngữ âm “ngoại biên”, không được lấy làm ngữ liệu để miêu tả hệ thống âm vị của một ngôn ngữ. |