Trải nghiệm chùa Thiên Trúc từ bản đồ số
Xung kích thu thập dữ liệu hoàn thiện bản đồ số Triển khai thử nghiệm nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại một số quận, huyện |
Dễ dàng tra cứu từ mã QR
Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, từ đó đưa ra giải pháp thiết lập hệ thống bản đồ số dữ liệu các địa chỉ đỏ trên địa bàn Thủ đô và hệ sinh thái trao đổi thông tin, kiến thức lịch sử cho đoàn viên, thanh niên. Tại các điểm di tích triển khai dưới dạng thực tế ảo 360 độ và có mẫu thực thuyết minh giới thiệu về điểm di tích với các tính năng ưu việt.
Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội phối hợp với quận Nam Từ Liêm tổ chức ra mắt công trình bản đồ số chùa Thiên Trúc |
Sau một năm triển khai, đề án đã có những bước thành công nhất định. Tại quận Nam Từ Liêm, chùa Thiên Trúc cùng với 7 điểm di tích khác trên địa bàn quận gồm chùa Phùng Khoang; chùa Trung Văn; chùa Mễ Trì Hạ; trận địa pháo Giêng Đồng Sung; Bốt Đại Mỗ; chùa Thanh Quang; cây đa đình Hòe Thị đã được tái hiện qua không gian bản đồ số này.
Hệ thống bản đồ số là những tư liệu quý, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng đoàn viên, thanh niên, Nhân dân Thủ đô và góp phần phát huy lòng tự hào về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao và tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng vì độc lập, tự do của thế hệ cha anh đi trước. Tìm hiểu, khám phá, các bạn trẻ được khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Đồng thời, thông qua công trình tuyên truyền, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về các di tích cách mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội; giúp các tầng lớp Nhân dân Thủ đô và du khách khi đến tham quan tại điểm di tích dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh nơi đây; tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thu thập thông tin nhằm bảo vệ, lưu giữ thông tin.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đoàn, Thành uỷ, Thành đoàn Hà Nội cắt băng khánh thành công trình thanh niên |
Ngay sau lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn và ra quân Tháng Thanh niên năm 2024, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với quận Nam Từ Liêm tổ chức khánh thành công trình bản đồ số địa chỉ đỏ, lắp đặt mã QR tại chùa Thiên Trúc.
Tái hiện di tích trong tầm tay
Tham gia trải nghiệm bản đồ số chùa Thiên Trúc, bạn trẻ Nguyễn Mai Lan (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thấy rất ý nghĩa. Lan cho biết, chỉ cần quét mã QR bằng điện thoại di động là chúng ta có thể nắm bắt được rất nhiều thông tin về địa chỉ đỏ này.
Cô gái đã sử dụng bản đồ số, với ứng dụng Chatbot AI (sử dụng chat GPT) để trao đổi hỏi đáp thông tin về di tích. Bản đồ này tích hợp chức năng cá nhân hóa gương mặt thông qua AI, đồng thời giúp người sử dụng có thể tham gia vào không gian ảo giúp cùng tương tác, trao đổi thông tin và làm các thao tác như: Chụp ảnh selfie trong không gian ảo, tán gẫu, trò chuyện, hỏi đáp, nhìn thấy hình 3D của người dùng khác di chuyển trong không gian ảo… Nguyễn Mai Lan đã thử tất cả các chức năng của bản đồ số ở đây và cảm thấy rất thú vị.
Các đồng chí lãnh đạo quét mã QR trải nghiệm di tích qua bản đồ số |
Thông tin về chùa không chỉ được thuyết minh bằng tiếng Việt mà còn cả tiếng Anh, với sự xuất hiện hình ảnh thuyết minh của “đại sứ tuyên truyền lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội”.
“Mình đã tìm hiểu qua bản đồ số và nắm được khá nhiều thông tin hữu ích. Chùa Thiên Trúc từng là nơi đóng quân của tổng trạm thông tin liên lạc, binh chủng pháo binh, Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Chùa Mễ Trì Thượng còn được gọi là chùa Tổ Quạ, tên chữ là Thiên Trúc Tự được xây dựng từ cuối thời Lê Sơn.
Trải qua những năm tháng thăng trầm, ngôi chùa đã bị xuống cấp, phải trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng mở rộng. Sau một cuộc đại trùng tu năm 2014, đến giữa năm 2015 phần lớn các công trình chủ yếu đã gần như hoàn thành. Ngoài cổng tam quan đồ sộ xây hoàn toàn mới, bên cạnh đó những hạng mục khác như nguyệt hồ, phương đình, tam bảo, nhà Tổ và nhà Mẫu đều được tôn tạo và nâng cấp cho biết.
Là du khách đến chiêm bái tại chùa Thiên Trúc, anh Lê Văn Mạnh (quê ở Hà Nam) cho biết: “Có bản đồ số chùa, mình nắm bắt nhanh thông tin về di tích này. Những thông tin mà dường. Thông qua bản đồ số mình biết chùa có 33 pho tượng Phật, 8 pho tượng Tổ và 5 bức tượng Mẫu. Bên cạnh những pho tượng, chùa Mễ Trì Thượng còn lưu giữ một quả chuông cổ đúc năm 1830, vào đời vua Minh Mạng và một đỉnh hương khoảng đầu thời Nguyễn. Năm 1992, chùa được xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia”.
Qua thống kê hiện toàn thành phố có 322 điểm di tích, trong đó một số địa điểm đã được thực hiện số hóa. Trong năm 2023, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đã rà soát và triển khai thực hiện đối với 12 quận trên địa bàn với 150 điểm di tích. Trong thời gian tiếp theo, Đoàn Thanh niên thành phố tiếp tục nhân rộng và thực hiện tới tất cả các địa chỉ đỏ tại các huyện, thị xã trên địa bàn. Đây sẽ là công trình thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). |