Trại cai nghiện smartphone dành cho thanh thiếu niên tại Hàn Quốc
Hơn 98% thiếu niên tại xứ sở kim chi dùng smartphone. Ảnh: BBC
Bài liên quan
Chuyện nghề shipper tại Hàn Quốc
Hàn Quốc cấm người có tiền án bạo lực gia đình cưới vợ nước ngoài
Người nổi tiếng đối mặt với chứng bệnh trầm cảm
Hàn Quốc cấm lưu thông các loại xe ô tô cũ chạy bằng dầu diesel
98% thiếu niên sử dụng smartphone
“Ngay cả khi tự nhủ rằng nên ngừng sử dụng điện thoại nhưng tôi vẫn tiếp tục. Tôi không thể dừng lại, tôi thường dùng smartphone đến tận bình minh”, Yoo nói.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng smartphone cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) trong năm 2018, hơn 98% thiếu niên nước này dùng smartphone và nhiều em có dấu hiệu bị nghiện.
Khoảng 30% trẻ em từ 10 - 19 tuổi được xếp vào nhóm “dùng quá mức” điện thoại. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, sức khỏe tâm thần của các em thậm chí làm giảm khả năng tự kiểm soát bản thân.
Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà thanh thiếu niên bị cuốn hút vào những chiếc điện thoại thông minh. Đây là nỗi lo chung trên toàn thế giới. Theo thống kê, năm 2015, 16% thanh niên 15 tuổi ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dành hơn sáu giờ trực tuyến ngoài giờ học mỗi ngày. Vào thời điểm cuối tuần, con số này tăng lên 26%.
Tại xứ sở kim chi, áp lực xã hội đang làm trầm trọng thêm vấn đề này. Trẻ em thường phải đối mặt với khối lượng học tập nặng nề và có rất ít hoạt động để thư giãn. Vào cuối ngày học, nhiều em còn tiếp tục được gửi đến các lớp luyện thi và hầu như không còn thời gian cho các hoạt động khác.
Giới trẻ Hàn Quốc dung smartphone ở mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: CNN |
Trong năm 2015, chỉ có 46,3% học sinh Hàn Quốc ở độ tuổi 15 có tập thể dục, thể thao trước hoặc sau giờ học. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các quốc gia OECD.
Trở lại với trường hợp của Yoo Chae-rin. Cô bé từng là học sinh có mức học lực trung bình ở trường cấp 2. Tuy nhiên, đến năm cấp 3, Yoo đã tụt hạng và xếp cuối lớp. Cô bé thức rất khuya chỉ để lướt Facebook, mày mò với app chỉnh ảnh Snow hay tán gẫu với bạn bè trên dịch vụ tin nhắn KakaoTalk.
“Em cảm giác cuộc sống thực của mình ngày càng mờ dần ngay cả khi có một ngày vui vẻ với bạn bè”, Yoo chia sẻ.
Cha của cô bé, ông Yoo Jae-ho ngày càng lo lắng về con gái. Ông cho biết từ lâu hai cha con đã không còn những cuộc trò chuyện, chia sẻ với nhau. “Nếu tôi nhắc nhở Yoo chuyện dùng điện thoại thì hai bố con sẽ xảy ra cãi vã”, ông nói.
Vì vậy, ông đã đặt ra giới hạn chỉ cho cho phép con gái dùng smartphone hai tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, cô bé vẫn tìm mọi cách để “dùng lén”.
Tháng 7 vừa qua, Yoo Chae-rin chủ động nói với cha mẹ dự định đi trại cai nghiện của mình. Tại cổng trại, lần đầu tiên sau nhiều năm, cô nộp chiếc điện thoại thông minh của mình và bắt đầu chương trình cai nghiện 12 ngày.
Trại cai nghiện smartphone
Chương trình trại cai nghiện internet tại xứ sở kim chi được bắt đầu từ 2007. Đến năm 2015, nó được mở rộng và bao gồm cả cai nghiện điện thoại thông minh.
Theo Bộ Bình đẳng giới tính và Gia đình Hàn Quốc, hiện có 16 trại khắp toàn quốc với khoảng 400 học viên là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đối với nhiều phụ huynh, đây là giải pháp và niềm hy vọng cuối cùng.
Những trại cai nghiện như thế hoàn toàn miễn phí tại Hàn Quốc. Phụ huynh chỉ phải đóng 100.000 won (khoảng 84 USD) tiền thực phẩm. Nam nữ ở các trại riêng biệt và mỗi hướng dẫn viên phụ trách khoảng 25 học viên.
Tại đây, các em được khuyến khích tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật và thể thao khác nhau. Hằng ngày, học viên còn phải tham dự các buổi tư vấn bắt buộc theo từng người, nhóm và gia đình để thảo luận về việc sử dụng điện thoại. Sau đó, trong 30 phút trước khi ngủ, các học viên sẽ ngồi thiền.
Nhiều trại được tổ chức tại các trung tâm đào tạo thanh thiếu niên, cách xa thành phố, trong những khu nhiều cây cối xanh mát để giúp “con nghiện smartphone” cảm thấy thoải mái nhất có thể. Trại của Yoo đặt tại Trung tâm Thanh thiếu niên quốc gia Hàn Quốc ở thành phố Cheonan. Nơi đây có bể bơi trong nhà và sân chơi thể thao.
Yoo Chae-rin tham gia hoạt động ngoại khoá tại trung tâm cai nghiện smartphone Cheonan. Ảnh: CNN |
Bà Yoo Soon-duk, Giám đốc trại cho biết, trong vài ngày đầu tiên, đa số học viên tỏ vẻ khó chịu, buồn bực. Từ ngày thứ ba trở đi, các em đã thay đổi, bắt đầu thích chơi với các bạn khác.
Lee Woo-rin, 16 tuổi, học cùng trại với Yoo Chae-rin, chia sẻ, cô sử dụng điện thoại thông minh để giảm bớt căng thẳng từ trường học. “Em tạm thời quên đi sự căng thẳng của mình khi dùng điện thoại. Tuy nhiên, khi ngừng sử dụng, những thứ khiến em bực bội nhanh chóng trở lại trong tâm trí. Nó trở thành một vòng luẩn quẩn”, Lee nói.
Tiến sĩ Lee Jae-won, bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, vòng luẩn quẩn đó là dấu hiệu của cơn nghiện. Khi con người bị căng thẳng, nó làm giảm dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não bộ) khiến họ tìm kiếm các hình thức thỏa mãn khác. Bởi thanh thiếu niên không có nhiều lựa chọn để giảm căng thẳng nên họ tìm đến smartphone.
“Ban đầu, điện thoại thông minh giúp các em thư giãn nhưng cuối cùng chúng nghĩ rằng chỉ cần smartphone là đủ để vui vẻ và hạnh phúc. Điều này dẫn đến việc nhiều em bỏ bê việc học tập trên trường, lớp”, tiến sĩ Lee phân tích.
Kết thúc thời gian tại trại cai nghiện, Yoo hiện chỉ còn dùng smartphone khoảng 2 - 3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, chương trình không hẳn hiệu quả với tất cả học viên. Yoo chia sẻ: “Em có hai người bạn cùng phòng. Ngay sau khi trại kết thúc, một bạn thậm chí không nói lời tạm biệt mà ngay lập tức chạy ra ngoài để sử dụng smartphone. Dường như với những bạn bị buộc phải vào đây, em nghĩ không hiệu quả với họ”.
Theo tiến sĩ Lee Jae-won, lợi ích lâu dài của trại phụ thuộc vào việc thanh thiếu niên sẵn sàng thay đổi thói quen như thế nào. Những người vẫn không thể kiểm soát nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh sau thời gian ở trại có thể cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện smartphone trong ngắn hạn ảnh hưởng đến kết quả học tập. Về lâu dài, người nghiện smartphone có thể phải chịu nhiều triệu chứng giống thiếu ma túy như cảm giác giận dữ, căng thẳng và trầm cảm, sống cô lập, không thể tự kiểm soát bản thân và thậm chí có ý định muốn tự sát.