TP Thuận An (Bình Dương): Xã An Sơn làm khó người dân?
Bà Diễm đã thuê người tháo dỡ, nạo vét phần đất bị phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thuận An, xã An Sơn cho là vi phạm |
Bà Huỳnh Thùy Diễm (quê tại tỉnh Cà Mau) cho biết: Bà đang kinh doanh trên khu đất thửa 6, 7 tờ bản đồ số 2, ấp An Hoà, xã An Sơn, TP Thuận An đứng tên là bà. Bà Diễm được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Dương cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số CS01864 ngày 3/8/2015 với diện tích 1.487m2 đất HNK (trồng cây hàng năm), trong đó có 300m2 đất ở nông thôn.
Tại thửa đất trên có 155m2 đất trồng cây hằng năm thuộc hành lang an toàn giao thông đường thủy và được thực hiện theo các quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng. Một thửa do UBND TX Thuận An (nay là TP Thuận An) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00644/AS ngày 1/8/2011 (chỉnh lý biến động ngày 3/8/2015) phần đất có diện tích 1.533 m2 đất cây lâu năm. Theo 2 giấy chứng nhận này thì phần đất được giải toả tiếp giáp rạch Bà Lụa. Tuy nhiên, thực tế thi công đê bao rạch Bà Lụa lại nằm trong phần đất không đền bù giải toả, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của bà Diễm.
Sau nhiều lần bà có ý kiến lên UBND TP Thuận An, Phòng TNMT TP Thuận An, xã An Sơn yêu cầu đo đạc, xác định lại đúng ranh theo QSDĐ nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Các cây trồng chống lở phần phía rạch cũng được bà Diễm tháo dỡ hết |
Ngược lại, theo bà Diễm phản ánh: “Trong biên bản làm việc ngày 5/3 với Phòng TNMT, từ khi tôi mua thì hiện trạng đất không phải sông và có một số cây tràm, cây xanh, cây môn um tùm trải dài hai bên bờ sông. Nhà nước đã bồi thường để thi công đê bao là mé ngoài bờ sông nhưng hi công thì không đúng với vị trí bồi thường và cắt ngang diện tích đất làm hai khu. Mé ngoài bờ sông, tôi chỉ cải tạo đất và trồng thêm cây để tạo cảnh quan, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực vui chơi giải trí, giảm ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa xác định được diện tích phía ngoài bờ sông cho tôi. Tôi đã đề nghị nhiều lần chính quyền địa phương tạo điều kiện xác định diện tích đất phía ngoài để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình”.
"Mặc dù đã giải thích rõ ràng, tôi cũng đưa ra các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ngày 24/3 tôi lại nhận được biên bản vi phạm hành chính do Phòng TNMT Thuận An lập cho rằng tôi vi phạm.
Khu đất được cho là lấn rạch Bà Lụa đã được trả lại như hiện trạng ban đầu |
Trước biên bản trên và sức ép của dư luận, mặc dù mảnh đất chưa rõ ranh giới thế nào nhưng chúng tôi đã trả lại hiện trạng phía mé bờ sông, phần trước đây là môn, đất bán ngập. Tuy nhiên, UBND xã An Sơn lại quy chụp phá hoại dòng chảy trong khi tôi đang thuê công nhân trả lại dòng chảy? Đặc biệt, UBND xã không có giấy tờ kiểm tra, không đo đạc phần tôi thi công trả lại hiện trạng mà yêu cầu tất cả công nhân lên phường khai, lập biên bản. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý các ý kiến trong văn bản và sau đó UBND xã cho về”.
Theo bà Diễm, trước đó nhiều lần bà đã ý kiến đến các cơ quan chức năng địa phương là xã An Sơn, phòng TNMT TP Thuận An để xin đo đạc và làm rõ đền bù một đằng khi làm lại đường đê bao lại một nẻo, không đúng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Sau khi nhận được biên bản vi phạm bà đã cho người tự tháo dỡ các cây trồng, phần kè... thì chính quyền xã An Sơn đột xuất xuống yêu cầu tất cả lên xã lập biên bản cho rằng bà phá hoại dòng chảy (Ảnh cắt từ clip) |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch TP Thuận An cho hay: “Về vụ việc lấn rạch Bà Lụa, vi phạm đã được UBND thành phố trình lên tỉnh để xử lý, khi nào có quyết định thành phố sẽ cung cấp”.
Còn việc sau khi bà Diễm bị lập biên bản vi phạm đã ý thức việc chưa phân rõ ranh mà cải tạo đất, trồng cây nên đã tự khắc phục tháo dỡ khu đất mà trước đó phòng TNMT và xã An Sơn đo đạc. Tuy nhiên, khi bà tự khắc phục trả lại hiện trường thì chính quyền xã An Sơn đến kiểm tra không giấy tờ, yêu cầu đưa người về trụ sở công an xã để lập biên bản vi phạm mà không phải lập tại công trình đang khắc phục nên bà Diễm không chấp nhận ký. Sau nhiều giờ thì UBND xã An Sơn mới cho bà Diễm cùng công nhân đang tháo dỡ ra về. Trao đổi vấn đề này, ông Tâm cho biết: “Tôi có nghe vụ việc được UBND xã An Sơn gọi lên nhắc nhở, còn lập biên bản thì tôi không có nghe. Tôi sẽ yêu cầu địa phương báo cáo về vụ việc này, có báo cáo tôi sẽ thông tin cụ thể”.
Để tìm hiểu khuất tất mà chính quyền xã An Sơn có những hành động trên, chúng tôi đã liên hệ UBND xã An Sơn. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ gặp được ông Nguyễn Khánh Hòa, Bí thư Đảng ủy xã An Sơn. Tại đây, ông Hòa yêu cầu phóng viên để lại câu hỏi sẽ chỉ đạo Chủ tịch xã là ông Hà Minh Tuấn thông tin. Tuy nhiên nhiều ngày qua, chúng tôi đã đặt lịch, liên hệ trực tiếp qua điện thoại với Chủ tịch xã An Sơn nhưng tất cả đều không có phản hồi.
Biên bản làm việc của phong TNMT với bà Diễm |
Được biết, sáng 2/4/2021, bà Diễm tiếp tục đến UBND xã An Sơn để gửi đơn yêu cầu xã đo đạc lại. Tuy nhiên, các cán bộ trong xã né tránh, không nhận đơn, buộc bà Diễm gửi đơn qua bưu điện đến UBND xã An Sơn. Cùng ngày trên, bà Diễm cũng đã tiếp tục gửi đơn lên thành phố Thuận An, phòng TNMT TP Thuận An để mong xem xét, đo đạc ranh giới địa chính đất.
Sau khi có đơn, cùng ngày bà Phạm Ngọc Trinh, công chức phòng TNMT TP Thuận An đã có buổi làm việc với bà Diễm về biện pháp khắc phục hậu quả việc lấn rạch Bà Lụa và yêu cầu giải quyết của bà Diễm.
Theo biên bản làm việc thì phòng TNMT đã nhận được đơn của bà Diễm và sẽ chuyển nội dung đơn của bà lên thành phố chỉ đạo xử lý. Phòng TNMT đồng ý khôi phục hiện trạng kênh Bà Lụa. Bà Diễm cũng đề nghị chính quyền quan tâm đo đạc giải quyết dứt điểm ranh giới chủ quyền theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm kinh doanh, sản xuất. Bà Diễm mong muốn Nhà nước có sự thoả thuận với người dân trả lại diện tích có thể hoán đổi theo đúng diện tích mà bà đã được cấp chủ quyền.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin!