TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch trùng tu các di tích xuống cấp
Những di tích lịch sử gắn liền với ngày Giải phóng Thủ đô Để di tích được tôn vinh, trở thành nguồn lực văn hóa mạnh mẽ... |
Chiều 5/12, Sở Văn hoá - Thể thao TP Hồ Chi Minh cho biết, hiện tại, trên địa bàn thành phố có 193 di tích được xếp hạng và hơn 130 công trình được các Sở ngành và UBND cấp huyện thống nhất đưa vào danh mục kiểm kê di tích, đều được bảo tồn, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định khác có liên quan.
Trong số đó, có 2 di tích đã xuống cấp trầm trọng là di tích Lò gốm Hưng Lợi và di tích Lăng Trương Tấn Bửu. Với di tích Lò gốm Hưng Lợi hiện nay đã xuống cấp, sụp đổ phần lò phía trên, chỉ còn lại nền móng công trình; còn di tích Lăng Trương Tấn Bửu thì các nấm mộ, bình phong, thành mộ… đã bong tróc, nứt một số nơi, hoa văn vẽ trang trí bình phong hậu bị xuống cấp theo thời gian.
Sở Văn hoá - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tu bổ, phục hồi di tích mất nhiều thời gian hơn so với các công trình thuộc các lĩnh khác do phải thực hiện theo nhiều quy định hiện hành của pháp luật, như: Luật Đầu tư công, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng… cũng như cần sự chung tay của nhiều Sở, ngành, cơ quan.
Di tích quốc gia Lăng Trương Tấn Bửu (Trương Tấn Bửu (1752 - 1827), là một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Nhờ lập được nhiều công lao, ông được phong tước Long Vân Hầu và được người đương thời liệt vào Ngũ hổ tướng Gia Định). |
Đối với việc triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích Lò gốm Hưng Lợi bị chậm do việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp, khiếu nại kéo dài. Trung tâm Bảo tồn di tích thành phố (đơn vị dự kiến được giao làm chủ đầu tư) đang lập phương án, khái toán tổng mức đầu tư để đề xuất bố trí nguồn vốn theo quy định của Luật Đầu tư công; dự kiến tu bổ, phục hồi trong giai đoạn 2026 - 2030.
Với di tích Lăng Trương Tấn Bửu, việc trùng tu phải nghiên cứu phù hợp với kiến trúc, chất liệu nhằm đảm bảo được nét cổ kính của di tích mộ cổ.
Theo Sở Văn hoá - Thể thao TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, nguồn ngân sách bố trí cho tu bổ, phục hồi di tích hơn 700 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa đạt gần 600 tỷ đồng.