TP HCM: Nhiều phòng khám thường xuyên bị xử phạt vì mục đích vụ lợi
Thời gian gần đây, trước nhu cầu ngày càng lớn của xã hội, nhiều nơi đang “nở rộ” dịch vụ phòng khám y tế tư nhân hoạt động. Ngoài những lợi ích thiết thực mang lại thì điều này cũng đang tồn tại nhiều vấn đề trong hoạt động cũng như quản lý của cơ quan chức năng. Đáng lưu ý, có rất nhiều phòng khám hoạt động vì mục đích vụ lợi, bất chấp quy định pháp luật, khiến dư luận bức xúc.
Chỉ tính riêng tại TP HCM, trong vài năm trở lại đây, số phòng khám, cơ sở y tế vi phạm liên quan đến dịch vụ khám chữa bệnh tăng đáng kể, trong đó phải kể đến một số phòng khám có yếu tố nước ngoài hoạt động (chủ yếu là người Trung Quốc), gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận.
Phòng khám đa khoa Quốc tế
Ngày 9/10/2020, UBND TP HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Quốc tế (PKĐK Quốc tế - Địa chỉ: 221 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) số tiền 164,4 triệu đồng do có nhiều vi phạm trong khám, chữa bệnh: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; Lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Phòng khám đa khoa Quốc tế vừa bị xử phạt với số tiền 164,4 triệu đồng với nhiều lỗi vi phạm |
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên phòng khám này bị xử phạt. Năm 2015, phòng khám này cũng từng bị Sở Y tế TP HCM xử phạt 120 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động.
Từ năm 2017 đến 2019, phòng khám này cũng liên tục bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt với số tiền hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, vào tháng 8/2019, cơ quan chức năng phát hiện phòng khám này có các hành vi vi phạm như: Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; Không lập hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu...
Với những sai phạm nghiêm trọng kể trên, PKĐK Quốc tế này đã bị UBND TP HCM xử phạt 170,7 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 4,5 tháng.
Phòng khám đa khoa Hồng Cường
Ngày 27/10, thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, cơ quan này vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hồng Cường (PKĐK Hồng Cường - Địa chỉ: 87 - 89 Thành Thái, Phường 14, Quận 10) với tổng số tiền 71 triệu đồng.
PKĐK Hồng Cường vi phạm về 5 hành vi: Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; Chỉ định sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; Quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Ngoài phạt tiền, phòng khám này bị buộc tháo gỡ quảng cáo sai quy định.
Phòng khám đa khoa Hồng Cường cũng liên tiếp bị xử phạt |
Trước đó, vào tháng 7/2020, cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hành chính số tiền 61 triệu đồng đối với PKĐK Hồng Cường vì các hành vi: Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; Chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Được biết, địa chỉ số 87 - 89 Thành Thái, Phường 14, Quận 10 trước đây từng là nơi hoạt động của PKĐK Khang Thái, cũng đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt với số tiền lớn.
Cụ thể, tháng 1/2019, PKĐK Khang Thái bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt hành chính 51 triệu đồng. Tiếp đó tháng 4/2019, PKĐK này bị xử phạt với số tiền 270 triệu đồng và buộc đình chỉ hoạt động 6 tháng (tính từ ngày 3/4/2019) về các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ; Chỉ định sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích lợi nhuận; Quảng cáo dịch vụ quá phạm vi chuyên môn trong giấy phép hoạt động; Sửa chữa hồ sơ, bệnh án làm sai lệch thông tin về khám, chữa bệnh.
Điều đáng nói, sau khi bị xử phạt và đình chỉ hoạt động, tại địa chỉ này bắt đầu xuất hiện một biển hiệu mới với tên “Phòng khám đa khoa Hồng Cường”, không còn tên của PKĐK Khang Thái như trước. Điều lạ là cả 2 công ty đại điện cho 2 phòng khám này đều dùng chung một mã số thuế.
Động thái này khiến nhiều người nghi ngờ có hay không việc phòng khám “thay tên đổi họ”, nhằm che mắt khách hàng?
Phòng khám đa khoa Thăng Long
Cũng nằm trong danh sách xử phạt mới đây của Sở Y tế TP HCM, PKĐK Thăng Long (575 Sư Vạn Hạnh, Phường 13, Quận 10) là một trong những phòng khám có “bề dày” sai phạm và bị xử phạt nhiều lần tại TP HCM. Thống kê cho thấy, tính trong khoảng thời gian hơn 4 năm thành lập, phòng khám này đã có trên dưới 13 lần bị xử phạt, với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2020 (tính đến tháng 10/2020), PKĐK Thăng Long này đã bị cơ quan chức năng xử phạt 3 lần. Lần gần nhất là vào tháng 10/2020, bị xử phạt 52 triệu đồng về những hành vi: Không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật; Không lập hồ sơ, bệnh án theo quy định; Chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Phòng khám đa khoa Thăng Long, một trong những phòng khám có “bề dày” vi phạm và bị xử phạt |
Còn trước đó, đầu năm 2020, phòng khám này bị xử phạt 81 triệu đồng; Tiếp đến tháng 6/2020 bị xử phạt 52 triệu đồng với các lỗi vi phạm tương tự.
Phòng khám đa khoa Thái Bình Dương
Đây là một trong những phòng khám có yếu tố người nước ngoài hoạt động (chủ yếu là người Trung Quốc), với nhiều tai tiếng trong quá khứ và đã từng bị báo chí phanh phui về hành vi “vẽ bệnh lấy tiền”, hoạt động với mục đích vụ lợi.
Cụ thể, ngày 13/7, thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, UBND TP HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Thái Bình Dương (PKĐK Thái Bình Dương - Địa chỉ: 34 - 36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đakao, Quận 1) số tiền 343 triệu đồng, do có nhiều vi phạm trong lĩnh vực khám, chữa bệnh: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu; Thuê chứng chỉ hành nghề để hành nghề; Không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; Lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Nhân viên không đeo biển tên…
Nghiêm trọng hơn, phòng khám này còn có hành vi sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin về khám, chữa bệnh; Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề và quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài phạt tiền, cơ sở này còn bị tước sử dụng giấy phép hoạt động trong thời gian 6 tháng; Buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.
Đây cũng không phải lần đầu PKĐK Thái Bình Dương bị xử phạt. Trước đó, báo chí đã có những bài phản ánh về những sai phạm tại phòng khám này. Sau đó, Sở Y tế TP HCM vào cuộc, tiến hành kiểm tra và ra quyết định xử phạt.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục cập nhật danh sách các phòng khám thường xuyên bị xử phạt.
Thời gian qua, mặc dù Sở Y tế TP HCM và các cơ quan chức năng đã nổ lực tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt, nhưng mức độ xử phạt chỉ ở phần ngọn, chưa triệt để, rất nhiều phòng khám lợi dụng kẻ hở pháp luật để tiếp tục tái diễn vi phạm. Bắt đầu từ ngày 15/11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực, thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Nghị định 117 của Chính phủ sẽ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt theo từng chức danh trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt trong đó có việc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm theo quy định. |