Toàn cảnh giao tranh ác liệt giữa Israel và phong trào Hamas
Chưa có dấu hiệu dừng lại
Các cuộc tấn công bạo lực giữa Israel và Palestine khởi phát hôm thứ Hai (ngày 10/5), diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa Israel và Palestine ở Đông Jerusalem. Đây là nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của Israel và được phía Palestine coi là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Ngòi nổ bắt nguồn từ một cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại một một khu phức hợp trên đỉnh đồi thiêng ở Đông Jerusalem - nơi được cả người Hồi giáo và người Do Thái tôn kính. Lực lượng vũ trang Hamas - một nhóm vũ trang người Palestine kiểm soát dải Gaza đã bắn rocket cảnh cáo Israel phải rút lui khỏi địa điểm linh thiêng trên. Hành động này lập tức vấp phải các cuộc không kích trả đũa của Israel xuống các mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza.
Hiện tại, cả Israel và phong trào Hamas đều chưa có dấu hiệu dừng bước, bất chấp những lời kêu gọi giảm leo thang căng thẳng của cộng đồng quốc tế.
Giao tranh giữa Israel và Hamas bước vào ngày thứ 8 (Ảnh: CNN) |
Quân đội Israel đã thực hiện hàng trăm đợt không kích trên dải Gaza. Trong khi đó, Hamas và các nhóm vũ trang người Palestine đã phóng nhiều loạt rocket vào thành phố Tel Aviv và Beersheba của Israel.
Israel cho biết Hamas đã phóng hơn 3.100 quả rocket nhằm vào lãnh thổ nước này trong một tuần qua, mật độ hỏa lực lớn chưa từng có. Ít nhất 10 người Israel đã thiệt mạng trong các đòn tập kích rocket của Hamas.
Quân đội Israel cũng tiến hành hàng trăm vụ không kích tại Dải Gaza để khiến tổng cộng hơn 200 người Palestine đã thiệt mạng trong 9 ngày diễn ra xung đột, trong đó có hơn 50 trẻ em và 30 phụ nữ.
Tiếng hét và những cuộc di tản vội vã
Tiếng hét của đồng nghiệp đánh thức tôi, và tiếng tim đập thình thịch át đi sự suy nghĩ của tâm trí. Chuyện gì đã xảy ra? Liệu có ai bị thương trên đường phố Gaza hay chuyện gì đó tồi tệ hơn.
Đó là những gì Fares Akram, phóng viên hãng tin AP kể lại trước khi một tòa nhà 12 tầng có văn phòng của Hãng tin AP, đài Al Jazeera Al Jazeera và các hãng truyền thông khác đã bị san bằng ngày 15/5 sau khi trúng tên lửa của Israel.
Cảnh tượng đổ nát sau những cuộc giao tranh tại thành phố Gaza (Ảnh: AFP) |
Lúc đó là vào 13h55 thứ Bảy (15/5). Tôi đang nghỉ trưa ở tầng trên của căn hộ áp mái hai tầng, từng là văn phòng của Hãng thông tấn AP ở Dải Gaza từ năm 2006.
“Điều này không có gì lạ trong những ngày gần đây; kể từ khi giao tranh bắt đầu vào đầu tháng này, tôi thường ngủ trong văn phòng tin tức cho đến đầu giờ chiều, sau đó làm việc suốt đêm”.
Tiếng la hét của đồng nghiệp đã đánh thức Akram. Tôi vội vã xuống cầu thang và thấy các đồng nghiệp của mình đang đội mũ bảo hiểm và áo bảo hộ. “Họ hét lên: “Sơ tán! Sơ tán mau lên”, anh kể.
Sau này Akram mới biết quân đội Israel đã nhắm mục tiêu phá hủy tòa nhà và đưa ra cảnh báo ngắn gọn trước đó.
Tới thời điểm đó, ba toà nhà đã bị phá huỷ, cư dân được cảnh báo và có vài phút để sơ tán.
Anh nhanh chóng chộp lấy máy tính xách tay và vài món đồ điện tử khác. “Tôi nhìn không gian làm việc của mình suốt nhiều năm qua, tràn ngập những vật lưu niệm từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Tôi chỉ chọn một số ít: chiếc đĩa trang trí có ảnh gia đình. Cốc cà phê do con gái tôi, hiện sống ở Canada cùng mẹ và chị gái, tặng từ năm 2017. Giấy chứng nhận đánh dấu 5 năm làm việc tại AP”, Akram nhớ lại.
Cuộc giao tranh khiến nhiều người dân mất đi người thân và nhà cửa (Ảnh: AP) |
Trong 8 phút tiếp theo, một cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhỏ, rồi hai đợt không kích kế tiếp. Và sau đó là ba cuộc không kích mạnh mẽ từ những tiêm kích F-16. Tòa nhà dần đổ sụp xuống, khói bụi bao trùm mọi thứ. Bầu trời rung chuyển. Tòa nhà từng là văn phòng của họ biến mất trong lớp bụi mù mịt…
Trong bất kỳ cuộc xung đột nào, người dân chính là những người phải chịu đau thương nhiều nhất.
Kinneret Edelman, một giáo viên tiếng Anh người Israel và là mẹ của 2 đứa con sống gần biên giới, mục tiêu của nhiều vụ tấn công bằng tên lửa, cho biết, cô đã rời nhà để tới miền Bắc Israel hôm 13/5. Hầu hết các vụ nổ mà cô nghe thấy là tên lửa bị hệ thống Vòm Sắt đánh chặn. Một tên lửa đã rơi gần nhà bố mẹ cô ngay sau khi cô rời đi, Edelman nói.
“Tôi bắt đầu nhìn thấy những tổn thương tâm lý ở những con trai tôi, vì vậy chúng tôi phải rời đi”, Edelman chia sẻ.
Những cơn mưa tên lửa tới tấp từ Israel đã phá hủy các mạng lưới điện nước và ống dẫn nước thải của Dải Gaza khiến người dân thành phố phải sống trong tình trạng vô cùng khó khăn.
Các cuộc tấn công gây ra mất điện trên diện rộng và khiến hàng trăm tòa nhà chịu thiệt hại nặng nề.
Một nhà máy xử lý nước biển cũng đã ngưng hoạt động và dẫn đến tình trạng 250.000 người dân không có nước sạch để sử dụng. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc báo cáo về cảnh tượng ở một thị trấn phía bắc thành phố Beit Lahia là “nước thải và các chất thải rắn đang dần tích tụ trên đường phố”.