Tin tức trong ngày 8/7: TP. HCM sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức
TP. HCM sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả các quận huyện và TP Thủ Đức
Sở Y tế TP. HCM vừa đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà ở tất cả quận huyện và TP Thủ Đức thay vì chỉ áp dụng tại các địa phương thuộc nhóm có nguy cơ cao gồm các quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và Cần Giờ như tờ trình trước đó.
Trước đó, ngày 5/7, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình tham mưu UBND TP.HCM ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà tại quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều cùng ngày, thành viên ban chỉ đạo đề xuất áp dụng thí điểm trên 21 quận huyện và TP Thủ Đức.
Theo Sở Y tế TP, số trường hợp F1 đang tăng cao, yêu cầu cách ly F1 tại nhà của Bộ Y tế rất nghiêm ngặt, nên thống nhất áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn địa bàn TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM thống nhất áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn địa bàn TP |
Theo đó, trường hợp F1 có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính thì được áp dụng biện pháp cách ly tại nhà.Trước đó, Sở Y tế cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện và ban ngành đoàn thể phối hợp tổ chức triển khai thí điểm cách ly y tế tại nhà cho F1. Việc này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Những đối tượng này phải thuộc một trong những trường hợp: Là người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng không thường xuyên; Người làm việc cùng phòng với bệnh nhân nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh; Người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật... cần sự chăm sóc hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trường hợp F1 đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính cũng được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người cách ly y tế tại nhà, người ở cùng nhà, cán bộ y tế và đơn vị liên quan phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các F1 cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần vào ngày thứ nhất, 7, 14, 20, 28 kể từ ngày bắt đầu cách ly.
Người đến và về Cà Mau phải có giấy xét nghiệm Covid-19
Chiều 7/7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19.
Trong đó, Cà Mau đã áp dụng hình thức yêu cầu người đến/về tỉnh này phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn trong thời hạn ba ngày.Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 9/7.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo các lực lượng tập trung truy vết những người tiếp xúc gần với bệnh nhân 22348. Các đội xe chuyên dụng chở người nghi nhiễm đi cách ly tập trung cũng được tăng cường, túc trực tại các chốt kiểm dịch.
Trung tâm hành chính công tỉnh Cà Mau cũng được lệnh tạm ngưng tiếp nhận thủ tục hành chính trực tiếp từ hôm nay cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, toàn bộ người tại Trung tâm này phải được xét nghiệm Covid-19. Xét nghiệm test nhanh nếu không tiếp xúc trực tiếp với anh rể của Bệnh nhân 22348 và xét nghiệm PCR cho người tiếp xúc gần.
Nguyên nhân là trước đó bệnh nhân 22348 chở anh rể đến Trung tâm hành chính công tỉnh Cà Mau để làm thủ tục hành chính. Khi đến đây, người anh rể vào làm thủ tục còn bệnh nhân 22348 ngồi ngoài cổng uống nước mía.
Dừng hoạt động vận tải đường bộ từ một số tỉnh, thành phố ra vào Hà Nội
Hà Nội hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch về TP và ngược lại |
Do tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đang diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc hằng ngày vẫn tăng cao tại một số địa phương, để tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát toàn hộ hoạt động vận tải.
Trong đó hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch về Hà Nội và ngược lại, danh sách này được công bố, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Tổ chức hoạt động vận tải đi lại hợp lý đến các tỉnh, thành phố có dịch theo định hướng.
Đối với tỉnh, thành phố có dịch nếu thay thế được bằng vận tải đường sắt hoặc đường hàng không thì cho dừng hoạt động vận tải đường bộ. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công cộng gồm xe khách liên tỉnh, xe buýt, taxi, ô tô phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Đồng thời UBND TP yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và TP Hồ Chí Minh. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt các nhà ga, sân bay phải tăng cường tuyên truyền, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, tình hình, diễn biến dịch bệnh tại các điểm đi và đến trước mỗi chuyến bay, chuyến tàu theo chỉ đạo của UBND thành phố. Công tác này nhằm đảm bảo kịp thời cập nhật, kiểm soát danh sách hành khách trên các phương tiện vận tải hàng không, đường sắt, đặc biệt từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội.