Tiêu thụ nông thủy sản: Chúng ta đang tự gây phức tạp cho chính mình
Ngày 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về việc thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, dù phải đối diện với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội, xuất khẩu nông thủy sản của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt sau 7 tháng (tăng tới 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD).
Trong những tháng đầu năm, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu của một số nước đã và đang phục hồi sau cả giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp và lan nhanh tại ASEAN, Ấn Độ cũng có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước này, gây tác động đến xuất khẩu của ta. Trong khi đó, Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của nông thủy sản đã và đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng chống dịch Covid-19 đã tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của ta sang thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải kiến nghị tháo gỡ ngay những khó khăn không đáng có cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản. (Ảnh: VGP) |
Mặt khác, dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành của nước ta, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển nông sản, trái cây trên cả nước đến khu vực biên giới, một số loại trái cây đã đến giai đoạn chính vụ như thanh long, dưa hấu, vải, nhãn…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thực sự chỉ xuất hiện vào tháng 8, khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn khiến ách tắc phát sinh tại tất cả các khâu của chuỗi cung ứng nông thủy sản, từ thu hoạch, chế biến tới vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu.
“Tất cả cho thấy, không phải không có thị trường xuất khẩu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, đồng thời cho rằng thị trường là có và rất lớn, khi nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi tại các trung tâm tiêu dùng lớn.
"Vấn đề là chúng ta đang tự gây phức tạp cho chính mình. Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị tháo gỡ ngay những khó khăn không đáng có cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông", ông Khánh nói.
Nói về vai trò của địa phương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặt vấn đề: “Tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn trong khi mặt hàng thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác, những tỉnh trồng thanh long, dưa hấu mà làm được như Bắc Giang thì tôi tin rằng việc tiêu thụ nông sản cho nông dân thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực”.
Tiêu thụ thanh long gặp khó khăn |
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh các địa phương chủ động thì giải quyết được vấn đề, nếu không, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Mai cho biết, Bộ Tài chính hiện đang tích cực triển khai Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 nên đề nghị các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP HCM, cho phép cơ quan hải quan được bố trí theo nhu cầu, yêu cầu công việc để thông quan hàng hóa.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, đó là khó khăn trong huy động công nhân vào làm việc, lưu thông hàng hóa, cả đầu vào và đầu ra, gặp trở ngại, thu hoạch, tái đàn, tiêu thụ, sản xuất giảm hiệu quả…
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ khẳng định vai trò của địa phương là quyết định nên ông yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép, gây khó khăn, cản trở lưu thông nhưng phải bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa.
Đối với sản xuất nông nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp, trong đó, lưu ý không để xảy ra nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm vào dịp Tết Nguyên đán.
Về nhiệm vụ của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương triển khai kế hoạch nuôi trồng theo đúng tiến độ đã đưa ra từ đầu năm; xây dựng phương án và chỉ đạo điều chỉnh linh hoạt cơ cấu mùa vụ, loại nông sản nuôi trồng để điều tiết nguồn cung, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực sự để nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn.
Trong khi đó, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Tài chính, hiệp hội doanh nghiệp trong đàm phán, cung cấp các thông tin thị trường…; chủ động đưa các vấn đề về đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông sản; chủ động, tăng cường trao đổi, đàm phán với các thị trường nhập khẩu chính về việc tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không ban hành thêm các văn bản quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên nắm bắt tình hình, trong thời gian tới, cần nghiên cứu mở lại các chuyến bay phục vụ xuất khẩu hàng hóa.
Bộ Y tế tiếp tục tập trung ưu tiên vắc xin để tiêm cho các đối tượng tham gia thu hoạch, thu mua, sản xuất, chế biến nông sản. Mặt khác, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp.