Tiên phong, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Thủ đô
Vai trò ngày càng được nâng cao
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp với trên 2,7 triệu lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70,25%.
Thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn; tham mưu với Thành ủy, tham gia với UBND TP ban hành các chính sách trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ người dân, công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao tặng Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII bức tranh Bác Hồ với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam |
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng, điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở, đời sống của người lao động luôn được các cấp các ngành và tổ chức Công đoàn TP quan tâm; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Nhờ vậy, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP thời gian qua vẫn giữ được ổn định. Số vụ tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh. Bên cạnh đó, dù tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, các cấp Công đoàn Thủ đô thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại để lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật.
Hàng năm, LĐLĐ TP phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP với công nhân lao động (CNLĐ).
Trong 5 năm (2018-2023) đã có 2.745 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 99 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của CNLĐ tập trung vào việc đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, nhu cầu nhà ở, vận tải công cộng, nhu cầu học trường công lập của con CNLĐ; lắp đặt wifi miễn phí, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp…
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức 145 cuộc đối thoại với CNLĐ; Trên 68% Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại 3 bên giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động. Qua đó, các hoạt động này đã góp phần củng cố niềm tin giữa người lao động với chính quyền và tổ chức Công đoàn.
Gần đây nhất, tháng 5/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động, đại diện cho công nhân, lao động đang làm việc trên địa bàn Hà Nội.
Tại hội nghị, những kiến nghị của công nhân về thực hiện chính sách như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, việc làm cho người lao động, hồ sơ, thủ tục hành chính… đều được giải đáp thỏa đáng. Từ hội nghị, những khó khăn vướng mắc của người sử dụng lao động và người lao động được tháo gỡ, giải quyết, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, phúc lợi người lao động được nâng cao.
Tăng cường giám sát thực hiện chế độ chính sách
Triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội, các cấp công đoàn từ TP đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà CNVCLĐ đang quan tâm, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, thời gian tới, các cấp |
Các cấp Công đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, lao động, việc làm và phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến CNVCLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; giám sát thông qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư, tranh chấp lao động và tham gia điều tra tai nạn lao động trên địa bàn TP và thông qua việc hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Các cấp công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời góp phần cùng doanh nghiệp ổn định sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn TP.
LĐLĐ TP đã chủ động ký kết chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Nhân dân TP và các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP. Kết quả, trong nhiệm kỳ vừa qua, LĐLĐ TP và các Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại 3.713 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm với số tiền 16,37 tỷ đồng; phối hợp thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Qua kiểm tra, giám sát đã có hơn 12 nghìn kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động, đồng thời có 250 đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.
Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, phát huy truyền thống của tổ chức Công đoàn và những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Công đoàn nhằm chủ động thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình mới; nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp cho đoàn viên, NLĐ.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung xây dựng đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thu hút, tập hợp NLĐ, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Tiên phong vì người lao động
Phát biểu tại Đại hội XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Công đoàn TP trong nhiệm kỳ qua, đồng thời gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.
Trong đó, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kì vọng Công đoàn TP Hà Nội phải là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng của Tổng Liên đoàn.
Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở |
Thời gian tới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn TP cần tập trung đầu tư nguồn lực, chủ động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất, tham mưu kịp thời với Ban Thường vụ Thành ủy, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam những chủ trương, định hướng lớn phát triển phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn TP.
Cùng với đó, Công đoàn Thủ đô cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng hành với doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực và sức mạnh tổng hợp dành cho hoạt động Công đoàn, nhất là trong chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tập trung giải quyết các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, thiết chế văn hóa, thể thao, nơi khám chữa bệnh, nhà trẻ cho con công nhân… dành cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Công đoàn Thủ đô cần làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến nhu cầu, quyền lợi đoàn viên, người lao động, hoạt động Công đoàn; thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường thuyết phục chủ doanh nghiệp và người lao động tham gia thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nơi có đông công nhân, người lao động...
Công đoàn Thủ đô phải thực sự là nơi tập hợp đội ngũ đoàn viên, người lao động đang công tác, lao động, làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội - “trái tim” của cả nước. Công đoàn TP phải là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng của Tổng Liên đoàn, nhất là các nội dung trong thực hiện Chương trình hành động của tổ chức Công đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cần tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc theo hướng sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn, phục vụ thiết thực, kịp thời cho đoàn viên, người lao động.