Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với hành vi phơi thóc, lúa trên đường giao thông
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông
Những ngày gần đây, trên các tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên xuất hiện tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa, tận dụng vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Đáng nói, việc trưng dụng mặt đường để phơi thóc chiếm gần hết lòng đường, chỉ còn lại một lối đi hẹp dành cho các phương tiện giao thông. Không chỉ vậy, nhiều gạch, đá,... được người dân dùng để ghim bạt phơi đã trở thành những chướng ngại vật nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông.
Nhiều người dân "vô tư" phơi thóc, rơm ven đường tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông |
Anh Vũ Văn Tiến (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: "Là lái xe taxi nên thường xuyên di chuyển ở hầu hết các địa phương và các tỉnh thành lân cận. Mỗi dịp ngày mùa, vụ gặt đối với những lái xe như chúng tôi là một nỗi ám ảnh khi đâu đâu cũng bắt gặp người dân trải bạt phơi thóc ngay trên mặt đường, có trường hợp vừa phơi lúa vừa đứng ngay cả ra giữa đường cái để cào lúa. Điều này hết sức nguy hiểm vì nó tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông. Do đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh để hạn chế tình trạng này".
Tình trạng tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ tái diễn vào mỗi mùa gặt không chỉ gây cản trở mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm, rạ, thóc trên đường. Đặc biệt, có trường hợp rơm, rạ quấn vào xe gây cháy nổ.
Trên thực tế, việc xe đi qua đoạn đường có rơm, rạ là rất nguy hiểm, bởi khi xe chạy sẽ làm nóng một số bộ phận của xe. Trong khi đó, rơm, rạ khô lại rất dễ cháy, hai yếu tố này gặp nhau thì nguy cơ cháy là rất cao. Không chỉ khi rơm, rạ cuốn vào ống xả, mà chỉ cần xe chạy cuốn theo rơm, rạ, tạo ma sát với mặt đường cũng sinh nhiệt, dễ gây cháy.
Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Để xử lý tình trạng trên, Thanh tra Sở đã giao các Đội Thanh tra Giao thông Vận tải quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, đặc biệt là vị trí tập trung tuốt lúa, phơi rơm, thóc, đốt rơm rạ.
Đồng thời, lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, phơi thóc trên đường cũng như mức độ ảnh hưởng đến môi trường, mất trật tự an toàn giao thông từ việc phơi thóc, rơm, tuốt lúa không đúng quy định.
Theo quy định của pháp luật, hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường bộ bị nghiêm cấm, tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hành vi này mỗi khi đến mùa gặt lại tái diễn nhưng hiếm khi bị nhắc nhở, xử phạt.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhắc nhở người dân khhông chiếm dụng lòng, lề đường để phơi rơm, thóc |
Tại mục 1 điều 12, Nghị định số 100 NĐ/CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này; Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông; Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5; điểm d, điểm e khoản 6 Điều này; Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 5; điểm d, điểm i khoản 6 Điều này.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhắc nhở người dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng, không chiếm dụng lòng, lề đường để phơi, đốt rơm rạ, thóc lúa, để máy tuốt lúa. Đồng thời chỉ đạo lực lượng công an xã, thị trấn tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.