Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng đồng bằng sông Hồng
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Dự Hội thảo có ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố; Là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước. Vùng có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội; Là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ; Trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước; Có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước gồm cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không, đường sắt, trong đó thành phố Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tam giác kinh tế động lực phía Bắc, thuận lợi trong gắn kết các địa phương trong vùng và với các địa phương khác trong cả nước cũng như với các quốc gia trong khu vực và thế giới; Là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và trong các Nghị quyết chuyên đề của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ: "Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương".
Trước đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Nam và Trung; Từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị. Nghị quyết số 06-NQ/TW cũng đề ra mục tiêu “Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030”.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ và làm rõ những nội dung về: Xây dựng và triển khai dự án/đề án phát triển đô thị thông minh có tính kết nối cao tại các địa phương; khả năng liên kết giữa các đô thị trong khu vực để hướng tới tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch phát triển đô thị bền vững; hạ tầng số cho đô thị thông minh và ứng dụng các công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị.
Các đại biểu cũng trao đổi và làm rõ các vấn đề như: Những giải pháp để tăng cường tính liên kết trong đô thị, giữa các đô thị trong khu vực và thế giới; Những chính sách về quy hoạch nhằm thu hút và khuyến khích đầu tư tư nhân cho các dự án đô thị thông minh; Những vướng mắc trong phát triển hạ tầng số, công nghệ số và phát triển hệ sinh thái dịch vụ thông minh cũng như rủi ro về an toàn, an ninh và giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật với đô thị thông minh.