Thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải: Cần thiết nhưng phải có lộ trình cụ thể
Tạo nguồn thu mới cho ngân sách
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải.
Theo dự thảo, trước mắt, những đơn vị bị thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) khí thải là các cơ sở nằm trong danh sách các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả khí thải quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về luật BVMT. Cụ thể bao gồm: Sản xuất gang thép, luyện kim; Hóa chất vô cơ cơ bản, phân bón vô cơ và hợp chất nitơ; Lọc hóa dầu; Tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Sản xuất than cốc, khí than; Nhiệt điện; Xi măng...
Thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường |
Về mức phí, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí gồm 2 phần. Thứ nhất, phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải là 3 triệu đồng/năm; Mức phí cố định được quy định theo năm, cũng có thể nộp theo quý. Thứ hai, phí biến đổi được thu bổ sung đối với 4 chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải (gồm bụi tổng, NOx, SOx, CO) với mức thu từ 500 - 800 đồng/tấn đối với từng chất.
Theo Bộ Tài chính, hiện ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn, đang có xu hướng ngày càng tăng. Có thời điểm, ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và phương tiện giao thông vận tải. Phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong BVMT.
Vì vậy, cơ quan này nhận định, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí BVMT đối với khí thải là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, kiện toàn hệ thống pháp luật về phí, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn, từng bước nâng cao ý thức BVMT của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội cũng như tạo nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn lực cho công tác BVMT.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải mới nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu ngân sách 1.200 tỉ đồng/năm.
Cần tính toán lại thời điểm thu phí
Đánh giá về dự thảo Nghị định này, TS. Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là đúng đắn, tuy nhiên, cần phải đúng lúc, đúng thời điểm. Trong điều kiện và thời điểm hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vì vậy, Nghị định nên áp dụng từ năm 2025.
Bên cạnh đó, TS. Tô Hoài Nam lưu ý, cần phải minh bạch trong sử dụng nguồn thu cũng như chi tiết, cụ thể mức thu phí của từng ngành hàng. Mức thu càng cụ thể, chi tiết sẽ càng thể hiện sự minh bạch của chính sách và đảm bảo tính công bằng.
Nhà máy nhiệt điện sẽ phải nộp thêm phí khí thải |
Chia sẻ với báo chí, GS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP HCM), đánh giá việc thu phí BVMT đối với khí thải là hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tính toán lại việc thu sao cho phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, theo GS Hải, phí BVMT đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức F = f (phí cố định) + C (phí biến đổi).
Trong đó, phí cố định quy định là 3 triệu đồng/năm, nếu thu phần này có thể sẽ gây phản ứng cho một số cơ sở nhỏ bởi lượng khí thải xả ra của cơ sở lớn và nhỏ khác nhau. Ngoài ra, Nghị định quy định phí biến đổi của cơ sở xả khí thải là tổng số phí được xác định tại thời điểm xả khí thải là đúng nhưng chưa đủ.
GS Hải phân tích, thực tế có rất nhiều chất gây ô nhiễm khác rất nguy hiểm như hơi kim loại nặng, hơi của dung môi, hơi của acid... (về diện) những loại này đều gây ra ô nhiễm nhưng lại không được tính toán. Do đó, điểm hạn chế của nghị định này là chỉ thu được phí phát thải khí thải cho một điểm mà không thu được cho phần phát thải về diện.
Ngoài ra, GS Hải đánh giá, Nghị định này khi thực hiện sẽ thuận lợi cho việc quan trắc môi trường tự động. Tuy nhiên, những cơ sở thực hiện quan trắc tự động liên tục thực tế còn rất ít. Với việc quan trắc môi trường định kỳ, Nghị định này sẽ khó áp dụng do khí thải chỉ xả vào một thời điểm nhất định chứ không xả liên tục. Vì vậy, việc quan trắc sẽ không chính xác, gây khó khăn cho người thu, đồng thời sẽ có sự phản ứng vì việc xác định không chính xác.
Tại văn bản góp ý vào dự thảo nghị định này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo hiện chưa có quy định phân hoá mức phí bảo vệ môi trường theo địa điểm phát thải. Trong khi thực tế, việc phát khí thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đến sức khoẻ con người nhiều hơn so với tại các khu vực ngoài đô thị.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án tập trung thu phí bảo vệ môi trường đối với các nguồn thải trong khu đô thị, khu dân cư mà tạm chưa thu hoặc thu phí ở mức thấp hơn đối với các khu vực khác. Chính sách này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp đặt hoặc di dời các cơ sở sản xuất đến các khu vực ngoài đô thị, giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu đô thị tập trung.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), trước khi áp dụng khoản thu mới, Bộ Tài chính cần có đánh giá cụ thể về số thu các loại thuế, phí BVMT và hiệu quả trong thời gian qua đối với công tác này. Chỉ khi thấy được hiệu quả, Nghị định mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.