Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Tại sao nhiều thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội?
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Sân chơi lý thú của sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mùa dịch Covid-19
Bộ GD&ĐT tuyển ứng viên cho 35 suất học bổng du học Campuchia
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực: Những thay đổi quan trọng giáo viên cần lưu ý
22 học sinh Việt Nam xuất sắc nhận học bổng Chính phủ New Zealand bậc Trung học
So với năm 2019, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài tổ hợp Khoa học xã hội tăng lên, đồng nghĩa tỷ lệ đăng ký bài tổ hợp Khoa học tự nhiên giảm đi, còn 296.158, chiếm 32,9% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Thực tế cho thấy trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội luôn nhỉnh hơn so với bài thi Khoa học tự nhiên và có xu hướng tăng dần. Cụ thể, nếu như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 43% số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội thì năm 2018, tỷ lệ này là 48%; Năm 2019 gần 53%, áp đảo so với 34,07% thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, em Nguyễn Khánh Linh (học sinh THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Em chọn tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân để xét tốt nghiệp lần này vì em học khối D. Các môn này gần với chương trình học của hơn và lực học các môn tự nhiên của em cũng không tốt”.
Theo Khánh Linh, đây là lựa chọn “an toàn” trong giai đoạn này bởi: “Em tập trung ôn Toán, Văn, Anh để đỗ đại học vì các môn kia khá dễ và gần gũi, em có thể không học mà cũng “chém” được và không bị điểm liệt. Lần thi thử vừa rồi, em chỉ “random” hết cả 3 môn mà cũng được trung bình trên 3, vậy là đã “thoát” rồi. Môn Sử có thể em được điểm rất thấp nhưng Giáo dục công dân và Địa lý có thể cao và sẽ kéo qua điểm liệt”.
Học sinh học khối A, B đều chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, khối D, C chọn Khoa học xã hội còn thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp đương nhiên sẽ chọn tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều học sinh lớp 12 chia sẻ.
Không chỉ bởi “dễ học”, “có thể chém bừa”, Nguyễn Phong Sơn (học sinh THPT Việt - Đức, Hà Nội) cho rằng, các môn Giáo dục công dân, Địa lý khá gần gũi với cuộc sống. “Em nghĩ có thể dễ dàng hoàn thành bài thi tổ hợp này. Lịch sử em không giỏi học thuộc nhưng với vốn hiểu biết và trí nhớ của mình, chắc chắn sẽ không bị liệt. Em không thi khối C, các môn này cũng không dùng để xét tuyển đại học nên chỉ cần trên điểm liệt là được. Các bạn em cũng chọn tổ hợp này rất nhiều vì hầu hết đều đang tập trung ôn Toán, Văn, Anh còn các môn này thầy cô thường cho luyện làm đề trên lớp là đủ. Với lại bài thi này là bài thi trắc nghiệp nên khá dễ đoán và ăn may. Thường các đáp án dài sẽ là đáp án đúng”, Sơn chia sẻ.
Theo một giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT, ở góc nhìn của nhiều thí sinh thì các môn của bài thi Khoa học xã hội là Sử, Địa lý, Giáo dục công dân tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án.
Do vậy, những học sinh chưa thật sự vững về kiến thức các môn Khoa học tự nhiên thường có xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội để “thoát” điểm liệt và đạt mục đích tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, giáo viên này cũng cho rằng, thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội nhiều không hẳn do các em thích các môn học này mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT. Việc xét tuyển đại học, các em sẽ dùng tổ hợp môn thi khác để giảm áp lực ôn tập.
Theo phân tích của một số giáo viên có nhiều năm ôn tập cho học sinh lớp 12, nếu nhìn vào phổ điểm thi THPT quốc gia các năm trước, việc nhiều học sinh chọn thi môn Khoa học xã hội cũng là thực tế và thông minh.
Năm 2020, quy chế thi tốt nghiệp THPT có sự điều chỉnh, chỉ cho phép thí sinh được đăng ký một trong 2 bài thi tổ hợp thay vì được dự thi cả 2 để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết, sự điều chỉnh này đã giúp thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp đúng với năng lực của bản thân, phù hợp với ngành nghề mong muốn theo đuổi trong tương lai và góp phần hạn chế sự xuất hiện của các tổ hợp lạ trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
Trong tổng số 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có 643.122 em đăng ký xét tuyển (chiếm 71,45%), giảm 9.878 thí sinh so với năm 2019.
Tổng số nguyện vọng (NV) là 2.490.171, trong đó tập trung phần lớn ở các NV từ 1 đến 5 (chiếm 83,3%). Cụ thể, số lượng NV1 là 640.637, đạt 99,61% thí sinh đăng ký xét tuyển; NV2 là 519.449 (đạt 81,08%); NV3 là 408.519 (đạt 63,77%); NV4 là 293.587 (đạt 45,83%); NV5 là 212.560 (đạt 33.18%). Số lượng các nguyện vọng còn lại là 415.491 (đạt 64,84%).
Nhìn vào số liệu này, có thể thấy năm 2020 có 257.030 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà không xét tuyển đại học.
Số lượng thí sinh này có thể đã xét tuyển đại học bằng học bạ, đi du học hoặc chuyển qua học nghề.