Thành phố Dĩ An, Bình Dương: Kinh tế xanh gắn với kinh tế số
Dĩ An: Một phần tư thế kỷ khát vọng xây dựng và phát triển |
Hướng đến xây dựng đô thị xanh, thông minh
Trong thời gian qua, TP Dĩ An đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực phủ xanh đô thị, hướng đến mục tiêu xây dựng một đô thị xanh và thông minh thông qua các dự án trồng cây xanh, mở rộng công viên và không gian công cộng, tạo môi trường sống thân thiện cho người dân.
Tiêu biểu trong năm 2024, thành phố đã trồng mới hơn 15.000 cây xanh tại các tuyến đường chính, khu dân cư và công viên công cộng. Đa dạng các loài cây từ thân gỗ lớn đến cây cảnh nhỏ, giúp tăng cường độ che phủ và làm dịu nhiệt độ môi trường. Hiện, mật độ cây xanh của Dĩ An đang đạt khoảng 7m²/người, tăng lên từ mức 5m²/người trong năm 2022. Trong tương lai, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục nâng mật độ này để đạt chuẩn đô thị xanh đô thị.
Mục tiêu TP Dĩ An trở thành một đô thị xanh và thông minh, mang lại môi trường sống lành mạnh và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của cư dân |
Tiếp tục, cũng trong năm 2024, Dĩ An đã hoàn thành thêm 5 khu công viên mới, với tổng diện tích gần 30 ha, nằm phân bố ở các phường đông dân như Dĩ An, Đông Hòa và Tân Đông Hiệp.
Bên cạnh đó, Dĩ An đã đầu tư và khánh thành khu vực sinh thái ven sông Bình Đáng với diện tích 12 ha, cung cấp môi trường tự nhiên để người dân có thể thư giãn và gần gũi với thiên nhiên.
Triển khai hệ thống cảm biến theo dõi và quản lý cây xanh tại các khu vực công cộng. Hệ thống này cung cấp dữ liệu về độ ẩm, sức khỏe của cây, giúp duy trì và phát triển không gian xanh một cách bền vững.
Ngoài ra, Dĩ An còn phát triển một bản đồ số ghi nhận vị trí của cây xanh và các khu vực phủ xanh trên địa bàn. Thông tin này được công khai để người dân dễ dàng nắm bắt, đóng góp ý kiến trong việc phát triển không gian xanh.
Hài hoà giữa kinh tế xanh gắn với kinh tế số
Việc kết hợp hài hòa giữa kinh tế xanh và kinh tế số là chiến lược chủ chốt của TP Dĩ An nhằm hướng đến phát triển bền vững. Mục tiêu của thành phố không chỉ là bảo vệ môi trường, mà còn áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa tài nguyên và thúc đẩy phát triển kinh tế.
TP Dĩ An đã thực hiện một chiến lược rất phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, đó là phát triển kinh tế gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Việc kết hợp kinh tế số vào kinh tế xanh giúp thành phố tận dụng được thế mạnh công nghệ trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường và tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Đặc biệt, chúng tôi rất chú trọng đến việc áp dụng công nghệ IoT để theo dõi chất lượng không khí, nước và tình hình môi trường tại các khu công nghiệp. Nhờ đó, Dĩ An có thể kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề ô nhiễm, giữ môi trường trong lành cho người dân và nhà đầu tư.
Cùng với đó, Bình Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Dĩ An trong việc mở rộng hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế số, như mạng 5G và nền tảng quản lý dữ liệu số. Điều này sẽ là bước đệm để thành phố triển khai thêm nhiều sáng kiến xanh và thông minh trong tương lai.
Tích hợp kinh tế số vào kinh tế xanh một cách hài hòa, nhằm tạo dựng một môi trường sống tốt hơn cho người dân |
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP Dĩ An chia sẻ về hướng phát triển đô thị thông minh: "Chúng tôi sẽ tập trung vào các dự án sử dụng năng lượng tái tạo và triển khai hệ thống giao thông xanh tại Dĩ An. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai hệ thống cảm biến thông minh để giám sát và quản lý rác thải hiệu quả, giúp giảm thiểu ô nhiễm và tối ưu hóa nguồn tài nguyên."
Kinh tế số hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chi phí quản lý và tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân. Dĩ An đang phát triển ứng dụng di động để người dân có thể theo dõi chất lượng không khí, tình hình giao thông và gửi phản hồi trực tiếp cho chính quyền. Đồng thời, hệ thống này cũng giúp nhanh chóng xử lý các vấn đề ô nhiễm hoặc tắc nghẽn trong quá trình đô thị hóa.
Tính đến cuối năm 2024, lượng điện năng tiêu thụ tại các tòa nhà công cộng đã giảm 15% nhờ các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Số lượng người dân tham gia ứng dụng theo dõi môi trường đạt hơn 30.000 người. Từ đó, giúp thành phố nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng phản hồi, đóng góp cho sự phát triển của thành phố, minh chứng cho sự kết hợp thành công giữa kinh tế xanh và kinh tế số.