Tập trung tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu lợn giống
Trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12 nghìn con lợn giống để phục vụ sản xuất trong nước
Bài liên quan
1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Nga sắp được đưa ra thị trường tiêu thụ
Cân đối nguồn cung thịt lợn, góp phần bình ổn thị trường
Cân đối nguồn cung thịt lợn, góp phần bình ổn thị trường
Giá thịt lợn tăng cao trở lại do thiếu hụt nguồn cung
Sẽ nhập khẩu 12 nghìn lợn giống...
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 120 nghìn con lợn nái giống (Landrace, Yorkshire…). Trong số hơn 100 cơ sở giống lợn, tổng đàn nái hơn 109 nghìn con thì các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 67% tổng cơ sở và 37% tổng đàn nái nguồn; các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 33% tổng số cơ sở và khoảng 63% tổng đàn nái nguồn.
Hiện cả nước có hơn 2,7 triệu con lợn nái và hơn 50 nghìn con lợn đực giống; năng suất sinh sản của đàn lợn nái nhập ngoại của Việt Nam khá tốt - khoảng 24 - 27 con/nái/năm (thế giới là 26 - 30 con/nái/năm).
Số liệu đăng ký nhập khẩu lợn giống của các doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2020, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12 nghìn con lợn giống. Đến ngày 18/4, số lượng nhập khẩu lợn giống nguồn là 3.016 con, tăng 133% so với năm 2018 và tăng 21% so với năm 2019. Một số doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa nhập khẩu được do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó nhất là khâu vận chuyển từ nước xuất khẩu về Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với số lượng lợn giống đã nhập và đăng ký nhập khẩu năm 2020 sẽ phục vụ việc thay thế đàn lợn giống nhập khẩu từ năm 2016 theo chu kỳ đến thời gian loại thải. Một phần sẽ bù đắp lại việc giảm đàn nái giống do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và phục vụ tăng trưởng đàn nái 0,5%/tháng.
Trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12 nghìn con lợn giống để phục vụ sản xuất trong nước |
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Để chủ động nguồn lợn giống phục vụ sản xuất, trước mắt, các địa phương cần tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Các doanh nghiệp tích cực nhập giống nguồn để tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh. Các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi về lãi suất cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn và doanh nghiệp nhập khẩu giống…
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, trên cơ sở đó triển khai đề án phát triển giống vật nuôi; tăng cường sản xuất giống tại chỗ với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh...
Giá thịt lợn trong nước có xu hướng giảm nhẹ
Có thể thấy rằng, thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi tăng cao luôn là chủ đề khiến dư luận xôn xao. Đặc biệt, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước, dù sức tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh nhưng giá bán lại tăng đáng kể.
Lý giải nguyên nhân khiến giá bán thịt lợn tăng trong khi nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn đã giảm giá bán lợn hơi, các tiểu thương có chung ý kiến: Gần đây, giá thịt lợn móc hàm tăng mạnh, các lò mổ bán với giá không dưới 100.000 đồng/kg, buộc tiểu thương phải tăng giá bán.
"Hiện nay, tiểu thương phải lấy hàng ở mức hơn 130.000 đồng/kg. Vì vậy, giá bán lẻ mặt hàng này phải ở mức 150.000 - 180.000 đồng/kg là điều không tránh khỏi. Không những thế, hiện nay nguồn lợn thịt xuất chuồng trong dân cũng ít, nguồn cung không đủ cầu nên giá cả không thể giảm mạnh”, chị Vũ Thị Hoài, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đặng Xá (Gia Lâm) cho biết.
Nhằm bình ổn giá thịt lợn, từ ngày 18 - 26/4, các siêu thị Big C tại Hà Nội và phía Bắc triển khai chương trình “Tuần lễ thịt lợn nhập khẩu”. Theo đó Big C giảm giá đến 34% cho sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Ba Lan, Canada...
Cụ thể, từ ngày 18 - 26/4 thịt sườn giá cũ 139.000 đồng/kg, giảm còn 119.000 đồng/kg; thịt ba chỉ giá cũ 172.000 đồng/kg, giảm còn 149.000 đồng/kg; thịt thăn giá cũ 165.000 đồng/kg, giảm còn 146.000 đồng/kg; thịt sườn ướp giá cũ 210.000 đồng/kg giá mới giảm còn 139.000 đồng/kg.
Ngoài ra các món chế biến từ thịt lợn nhập khẩu cũng được Big C áp dụng giảm giá, chẳng hạn thịt chiên xóc bơ tỏi giá cũ 31.000 đồng/100g, giá mới 25.900 đồng/100g; thịt viên sốt cà chua giá cũ 16.900 đồng/100g, giảm còn 14.900 đồng/100g; thịt xào kim chi giảm từ 14.900 đồng/100g xuống còn 10.900 đồng/100g...
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, đa số người tiêu dùng chưa có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu đông lạnh. Do đó, Big C thực hiện chương trình khuyến mại để giới thiệu và hướng người tiêu dùng sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ Châu Âu. Từ đó, người dân có thêm một sự lựa chọn cho bữa ăn khi mà giá thịt tươi trong nước đang cao; Đồng thời góp phần giảm giá thịt lợn xuống, giúp người tiêu dùng bớt khó khăn trong thời buổi dịch bệnh.