Tăng cường kết nối, hỗ trợ đoàn viên, công nhân bị F0
Nhiều cách làm sáng tạo của các cấp công đoàn
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có dấu hiệu giảm liên tục, tuy nhiên vẫn có ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp. Theo đó, số công nhân lao động trở thành F0, F1 tăng cao (gần 20% tổng số lao động) nên các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch, sắp xếp nhân sự trong sản xuất do thiếu lao động, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, kinh doanh.
Thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho thấy, trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, có 28.897 đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động là F0, riêng tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có 1.628 ca; 919 doanh nghiệp có đoàn viên, công nhân, lao động nhiễm bệnh.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến 233 doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động là 1.805 doanh nghiệp. Số công nhân, lao động mất việc và thiếu việc làm là 52.852 người (mất việc là 7.257 người, thiếu việc là 45.595 người).
Để tạo động lực cho người lao động, các cấp Công đoàn đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc đời sống công nhân trong quá trình điều trị bệnh, thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chi gần 41,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho 71.225 người lao động, trong đó hỗ trợ 1.610 công nhân lao động là F0.
Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và huyện Đông Anh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 |
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chi hơn 41,2 tỷ đồng để hỗ trợ 84.279 người lao động và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ an toàn COVID-19”. Các cấp Công đoàn cũng đã phối hợp với chính quyền và công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê 30-100% cho người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng kể từ đợt dịch lần thứ tư năm 2021 đến nay.
Ở từng đơn vị, cũng có khá nhiều cách làm sáng tạo để một mặt ngăn chặn dịch, mặt khác động viên tinh thần người lao động. Cụ thể, từ khi bùng dịch COVID-19, Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun (Khu công nghiệp Phú Minh, quận Bắc Từ Liêm), trên 600 công nhân lao động đang làm việc luôn duy trì việc test nhanh 100% đầu vào ca sáng, đêm cho người lao động.
Vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp, thay vì tập trung ăn uống, người lao động được nhận các suất ăn tại chỗ. Ban Chấp hành Công đoàn công ty cũng động viên tinh thần người lao động bằng các hoạt động như: Tặng khẩu trang, viên sủi vitamin C, nhu yếu phẩm cho người lao động…
Hay như tại Công đoàn Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất) đã tham mưu cho Ban Giám đốc công ty thay vì tổ chức đi tham quan, nghỉ mát sẽ thay thế bằng ngày nghỉ và phần quà đến tay người lao động; Bổ sung bữa ăn đặc biệt dành cho người lao động 1 lần/tháng, nghỉ hưởng 100% lương khi bị cách ly do dịch bệnh...
Hỗ trợ lao động mắc COVID-19 giải quyết nhanh chế độ
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động gương mẫu thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân” để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Cùng với đó, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, đời sống, thu nhập, việc làm và diễn biến tư tưởng của người lao động; Tiếp tục rà soát, nắm tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động, đặc biệt trong các khu công nghiệp và chế xuất, để kịp thời thăm hỏi, động viên, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch; Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của “Tổ an toàn COVID-19” trong doanh nghiệp; Duy trì 3.340 nhóm Zalo, với 100.981 người lao động tham gia phòng, chống dịch.
Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội kịp thời thăm hỏi, động viên, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Các cấp Công đoàn cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Y tế, Bảo hiểm xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ đoàn viên, công nhân bị F0 hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải quyết các chế độ về bảo hiểm xã hội theo quy định.
Đồng thời, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn phải nắm bắt chặt chẽ tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của công nhân; Tăng cường các hoạt động thương lượng, đối thoại, chia sẻ thông tin về tiền lương, tiền thưởng, chất lượng bữa ăn ca, chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc... tạo sự tin tưởng, đoàn kết, gắn bó giữa doanh nghiệp và công nhân, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, bên cạnh chăm lo đời sống, giữ chân lao động F0, F1, cũng cần xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã và trên phạm vi toàn thành phố để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời phục vụ cho công tác phân tích, dự báo cung - cầu lao động, góp phần ổn định nguồn lực lao động trong doanh nghiệp và trên địa bàn. Đây cũng là một trong những giải pháp để tổ chức Công đoàn làm tốt hơn sứ mệnh chăm lo người lao động, đồng thời thực hiện chủ đề công tác năm của Công đoàn về chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động.