Tận dụng sức mạnh công nghệ để tạo môi trường học tập đa dạng
Sân chơi sáng tạo cho học sinh yêu thích công nghệ Cơ chế đặc thù tạo bước đột phá về khoa học công nghệ |
Sáng tạo là yếu tố then chốt
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Huyền (Hiệu trưởng trường Mầm non Dịch Vọng, Cầu Giấy) với lòng nhiệt huyết và sự sáng tạo không ngừng, đang trở thành tấm gương trong việc áp dụng các phương pháp dạy học đổi mới, đem lại những bài học thú vị và ý nghĩa cho các thế hệ trẻ.
Đổi mới sáng tạo trong giảng dạy mầm non không chỉ đơn giản là việc áp dụng các phương pháp dạy học mới, mà là sự kết hợp giữa việc phát huy trí tưởng tượng của trẻ và sự sáng tạo trong cách thức tổ chức hoạt động học tập. Nắm bắt được thực trạng của trường còn một số hạn chế, chị Huyền đã cùng Ban giám hiệu khắc phục.
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Huyền luôn chủ động áp dụng các phương pháp học tập lấy trẻ làm trung tâm |
Chị Huyền chia sẻ:“Dù một số giáo viên trong trường mới được luân chuyển về nhưng tất cả chúng tôi đều đề ra những mục tiêu, chiến lượng rõ ràng. Mỗi giáo viên luôn suy nghĩ, tìm kiếm những giải pháp sáng tạo mới mẻ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ và thúc đẩy các tiềm năng sẵn có trong nhà trường góp phần tạo nên thương hiệu riêng cho nhà trường.
Hơn 24 năm công tác trong nghề giáo dục mầm non, 10 năm là giáo viên đứng lớp, tôi hiểu rằng việc đổi mới phương pháp dạy học sẽ giúp cho giáo viên tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.
Bằng cách học qua chơi và trải nghiệm vào thực tiễn quản lý nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; chương trình giáo dục của nhà trường sẽ không ngừng được cải tiến, sáng tạo”.
Trong những năm học qua, trường Mầm non Dịch Vọng đã thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường góp phần tạo nên thương hiệu và luôn được các bậc phụ huynh học sinh, các cấp lãnh đạo, cộng đồng xã hội tin tưởng, ủng hộ và đánh giá cao.
Chị Huyền cùng nhà trường tạo dựng môi trường học tập phong phú và đầy cảm hứng |
“Chúng tôi thực hiện đổi mới, sáng tạo trong công tác triển khai đẩy mạnh ứng dụng AI - trí tuệ nhân tạo vào tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới trường học thông minh. Từ đó, giáo viên được cung cấp nguồn tài nguyên phong phú, lên kế hoạch bài giảng hiệu quả. Việc kết hợp sức mạnh của công nghệ với tư duy và tâm huyết của giáo viên, nhà trường đã tạo ra một môi trường học tập đa dạng, sự khác biệt trong giáo dục và giảm thiểu những công việc chiếm nhiều thời gian của giáo viên”, cô Huyền chia sẻ.
Với tất cả những nỗ lực và sáng tạo không ngừng, cô Lê Huyền đã cho thấy, giáo dục mầm non không chỉ đơn thuần là công việc truyền thụ kiến thức, mà là nghệ thuật giúp trẻ em phát triển toàn diện về trí tuệ, cảm xúc và nhân cách. Nhờ vào những phương pháp giảng dạy sáng tạo, trẻ không chỉ tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả mà còn phát triển toàn diện về các mặt trí tuệ, cảm xúc và xã hội, từ đó có thể tự tin bước vào những bậc học cao hơn trong tương lai.
Hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”
Với hơn 22 năm gắn bó với nghề giáo, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, giáo viên trường Mầm non Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, đã trở thành tấm gương sáng về sự tận tâm và sáng tạo trong giáo dục mầm non. Nổi bật với tình yêu nghề và lòng mến trẻ, chị Ngọc luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi gợi niềm đam mê học hỏi ở các em nhỏ.
Chị Mỹ Ngọc dạy trẻ tạo hình về Tranh dân gian Hàng Trống trong giờ học |
Một sáng tạo nổi bật, độc đáo của cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc phải kể đến đó là giờ học tổ chức cho trẻ tạo hình về Tranh dân gian Hàng Trống, qua đó giúp trẻ cảm nhận được cái đẹp của dòng tranh dân gian truyền thống của dân tộc.
“Trước thực trạng các bản in khuôn cổ (bằng gỗ) của tranh dân gian Hàng Trống không còn nhiều, tôi đã mạnh dạn tìm kiếm chất liệu thay thế để chế tạo các bản khuôn in mới. Theo đó, tôi đã thay bằng vật liệu bằng xốp vừa dễ cắt, dễ trổ lại vừa sử dụng phù hợp, hiệu quả trong hoạt động cho trẻ”, chị Ngọc chia sẻ.
Sự sáng tạo trong việc chế tác các khuôn in bằng vật liệu xốp thay thế gỗ đã giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả khi sử dụng. Qua đó cô giáo đã góp phần khôi phục và bảo tồn, phát huy gíá trị của dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Bằng cách đổi mới phương pháp giảng dạy, chị Ngọc đã khơi gợi niềm đam mê học hỏi ở các em nhỏ |
Với cương vị là khối trưởng khối Mẫu giáo Lớn, chị đã luôn khắc phục mọi khó khăn, hết lòng tận tụy giúp đỡ chị em giáo viên trong công việc, tích cực lan tỏa tình yêu nghề tới bạn bè đồng nghiệp. Chị luôn phối hợp cùng tổ chuyên môn nhà trường tìm kiếm những giải pháp, hướng đi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và truyền thông giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, từng bước vững chắc đi lên, bắt kịp với xu hướng đổi mới chương trình giáo dục mầm non và hội nhập quốc tế.