Tận dụng lợi thế công nghệ để hỗ trợ người bị bạo lực
Thế giới đã trải qua gần 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với những tác động sâu rộng lên mọi mặt của đời sống. Bạo lực giới – vấn đề có thể xảy ra ở mọi quốc gia, mọi nền văn hóa, trong mọi hoàn cảnh, cũng trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn trong đại dịch và đòi hỏi những ứng phó khác biệt.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực của CSAGA đã tiếp nhận và xử lý tổng cộng 1.268 cuộc tư vấn thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả tư vấn qua đường dây nóng và tư vấn qua tin nhắn trên Facebook. Trong số đó, 56,1% các cuộc tư vấn là các ca khẩn cấp và ca cần được hỗ trợ lập tức trong đêm.
Đặc biệt, trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi mà người bị bạo lực có thể đang “mắc kẹt” trong chính ngôi nhà của họ cùng với người gây bạo lực, thì hình thức tư vấn qua nhắn tin trên Facebook đã phát huy tính hiệu quả của nó. Trong các trường hợp tư vấn qua tin nhắn, có tới 75,9% là các vụ việc liên quan tới bạo lực với phụ nữ trong gia đình.
Messenger bot Yêu thương và Tự do - – công cụ hỗ trợ nạn nhân của Bạo lực giới trực tuyến qua nền tảng tin nhắn Facebook Messenger đầu tiên tại Việt Nam chính thức ra mắt |
Bà Khuất Thu Hồng, trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) chia sẻ một số kết quả chính trong nghiên cứu về vấn đề bạo lực gia đình trong thời kỳ Covid do GBVNet phối hợp với Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện vào tháng 6 đến tháng 8/2020, những con số được đưa ra thực sự khiến chúng ta phải suy ngẫm: “Có đến 99% người tham gia nghiên cứu nói rằng trong thời gian dịch Covid-19, gia đình họ xảy ra nhiều mâu thuẫn; 88% nói rằng họ đã bị bạo lực về tinh thần, bị hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng. Và đáng nói là có đến 60% trong số đó chia sẻ rằng con cái họ phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ”.
Những giải pháp sáng tạo cùng sự chung tay, kết nối nguồn lực từ nhiều bên, bao gồm các tổ chức xã hội trong nước, các tổ chức, đơn vị quốc tế và các tập đoàn công nghệ hoặc các doanh nghiệp đa lĩnh vực sẽ là chìa khóa để vấn đề bạo lực giới nói riêng và các vấn đề phát sinh khác trong bối cảnh đại dịch nói chung được giải quyết một các hiệu quả. Đây là thông điệp xuyên suốt được truyền tải thông qua sự kiện lần này.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA khẳng định: “Thế giới này cơ bản là tốt đẹp và những người tốt nhiều nguồn lực luôn sẵn lòng chung tay đưa ra các giải pháp sáng tạo để nắm tay những người yếu thế cần trợ giúp. Sự phát triển của công nghệ hay sự phát triển của các doanh nghiệp sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa nếu nó không mang theo các giá trị nhân văn và tình yêu”. Sự ra đời của Messenger Bot Yêu thương và Tự do chính là một kết quả tiêu biểu cho sự chung tay và chia sẻ nguồn lực ấy.
Bà Nguyễn Phương Chi, Quyền Giám đốc Chính sách công Việt Nam tại Facebook khẳng định: “Tại Facebook chúng tôi tin rằng phụ nữ cần được bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội về kinh tế, giáo dục, giao tiếp xã hội. Chúng tôi đã có nhiều chính sách và giải pháp giúp nâng cao an toàn cho phụ nữ trên mạng cũng như thế giới thực. Messenger Bot Yêu thương và Tự do là công cụ hỗ trợ trực tuyến trên nền tảng Messenger đầu tiên được Tập đoàn Facebook trực tiếp tài trợ xây dựng tại Việt Nam cho các cộng đồng người yếu thế.”.
Messenger Bot Yêu thương và Tự do với các tính năng trả lời tự động, phân loại nhu cầu của người dùng và cung cấp các kiến thức, chỉ dẫn cơ bản để ứng phó Bạo lực giới bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt hiện đang hoạt động trên trang Fanpage chuyên hỗ trợ Người bị bạo lực của CSAGA là Yêu thương và Tự do.
Đây được xem là một trong những giải pháp sáng tạo, thể hiện nỗ lực của CSAGA và Facebook trong việc tận dụng lợi thế công nghệ và cách tiếp cận trực tuyến để hỗ trợ người bị bạo lực, đảm bảo tính kịp thời và liên tục của các hỗ trợ trong bối cảnh đặc biệt hiện nay. Công cụ này còn đặc biệt hữu ích với các trường hợp người bị bạo lực là người khuyết tật hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp.
Tháng 8/2021, trong đợt giãn cách xã hội vì làn sóng Covid-19 thứ 4, thông qua Messenger bot, CSAGA đã tiếp nhận và hỗ trợ một trường hợp khách hàng miền Tây là người khuyết tật giọng nói bị bạo hành bởi cha dượng, bị đe dọa sự an toàn và tổn thương về tinh thần. Khách hàng đã chia sẻ được câu chuyện của mình và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn tâm lý từ chuyên viên của CSAGA. Vụ việc cũng đã được kết nối tới công an địa phương để xử lý.
Bạo lực không chờ đợi các dịch vụ hỗ trợ sẵn sàng rồi mới xảy ra. Vậy nên chúng ta cần liên tục thay đổi để hỗ trợ kịp thời người bị bạo lực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự kiện được kỳ vọng đã khơi gợi thêm các ý tưởng, giải pháp sáng tạo cũng như mở ra nhiều hơn nữa những cơ hội để các bên cùng liên kết và chung tay góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực giới.