Sữa học đường hiểu sao cho đúng?
Bài liên quan
Chuyên gia dinh dưỡng nói gì về bổ sung vi chất cho sữa học đường?
Sữa học đường đã có tiêu chuẩn chính thức
Sữa học đường: Phản đối bổ sung vi chất, chúng ta có đang quay lưng lại với khoa học?
Ban hành Thông tư, phụ huynh tin tưởng hơn vào chất lượng sữa học đường
Phản đối bổ sung đa vi chất vào Sữa học đường: Đạo đức hay tội ác?
Vì sao phải bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường?
Bộ Y tế: Bổ sung 21 loại vi chất vào sữa học đường là cần thiết
Tháng 7/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, trong đó Thủ tướng chỉ đạo ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, quy định về định mức và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên thế giới hiện có khoảng 60 nước tham gia và hưởng ứng Ngày Sữa học đường thế giới do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc phát động. Ở hầu hết các quốc gia này (trừ Malaysia), sữa học đường được làm từ sữa tươi. Cụ thể là sữa tươi nguyên chất bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc sữa tươi nguyên chất 100% như Nhật Bản.
Khoa học đã chứng minh sữa tươi là nguồn thực phẩm quý giá, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em gồm:
- Phát triển chiều cao: Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa cung cấp canxi tự nhiên dồi dào cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển xương khỏe mạnh. Tiêu thụ đủ lượng sữa từ thời thơ ấu và trong suốt cuộc đời có thể giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương.
- Tăng cường thể lực: Chất đạm trong sữa tươi có chất lượng sinh học cao, hỗ trợ trẻ phát triển kĩ năng vận động và củng cố cơ bắp, giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
- Tăng cường miễn dịch: Sữa tươi cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Uống sữa tươi thường xuyên giúp trẻ có sức khỏe tốt, tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời nồng độ vitamin D trong máu cũng cao hơn.
Ngày 21/9/2016, Bộ Y tế tổ chức hội thảo, lấy ý kiến về quy định tiêu chuẩn sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường. Tại Hội thảo, phần lớn các nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp và doanh nghiệp đồng tình với quy định sử dụng sử dụng sản phẩm sữa tươi theo Quyết định 1340/QĐ-TTg và bàn các giải pháp áp dụng tại học đường.
Ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, nhấn mạnh sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải đạt tiêu chuẩn theo QCVN 5:1-2010/BYT.
Thực tế nghiên cứu về sự hấp thu dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi từ 2 tới 12 tuổi (sau khi rời dòng sữa mẹ) cho thấy sữa tươi là tối ưu. Sản phẩm sữa tươi có lượng dinh dưỡng cân bằng, giữ được nguyên vẹn các vitamin và khoáng chất trong sữa, có lợi cho sự hấp thu để phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ, trong khi sữa bột phải qua hai lần sử dụng nhiệt độ cao (cô đặc và pha loãng), thời hạn bảo quản dài làm mất chất dinh dưỡng.
Sữa tươi phù hợp với xu hướng sử dụng sữa tươi trong học đường trên thế giới: Hiện thế giới có hơn 60 quốc gia thực hiện Chương trình Sữa học đường theo sáng kiến của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Các nước triển khai chương trình thành công như: Nhật Bản, Thái Lan… đều quy định sử dụng sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường.
Quy định này sẽ tạo chuẩn mực về mặt chất lượng, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tuân thủ, dành những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em ở lứa tuổi học đường, tránh việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường, dễ quản lý ở các cấp triển khai.
Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển toàn vẹn về thể lực và trí tuệ của trẻ tuổi lứa tuổi học đường, đặc biệt trẻ vị thành niên. Các thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất và gây ảnh hưởng rõ rệt lên năng lực và thành tích học tập của trẻ lứa tuổi học đường bao gồm: sắt, kẽm, vitamin A và và vitamin D.
Thiếu máu, thiếu sắt vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng của trẻ em Việt Nam. Theo kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á năm 2011 (SEANUTS) tại 6 tỉnh thành cho thấy:
Tỷ lệ thiếu máu trẻ em 6 tháng đến 60 tháng tuổi là 23% (trong đó ở nông thôn là 25% và thành thị là 20%). Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tiểu học là 11,8% và tỷ lệ trẻ có dự trữ sắt cạn kiệt (Ferritin <15ug/L) là 6%; Tỷ lệ trẻ có dự trữ sắt thấp (Ferritin <30ug/L) là 28,8%. Thiếu máu ảnh hưởng tới quá trình dậy thì bình thường của trẻ và làm giảm năng lực học tập. Trẻ bị thiếu máu thường có biểu hiện kém hoạt bát, kết quả học tập kém và làm giảm sút nghiêm trọng hiệu quả của giáo dục toàn diện.
Cùng với thiếu máu, tình trạng trẻ thiếu kẽm cũng khá phổ biến. Kết quả điều tra của Viện dinh dưỡng Việt Nam về tình hình thiếu vi chất năm 2010 trên 586 trẻ 6 tháng đến 75 tháng tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ trẻ bị thiếu kẽm rất cao, lên tới 51,9%.
Trong những năm gần đây, tuy được thế giới ghi nhận là Việt Nam có nhiều thành tựu trong việc giảm tỷ lệ thiếu vitamin A trên cộng đồng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp) ở trẻ em vẫn rất phổ biến. Theo số liệu điều tra SEANUTS năm 2011 tại 6 tỉnh thành: Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 7,7% và khoảng một nửa trẻ em (48,9%) có tình trạng thiếu vitamin A giới hạn (retinol huyết thanh ≥0,7 và <1,05 umol/L).
Kết quả điều tra SEANUTS 2011 tại 6 tỉnh thành cũng cho thấy: Tỷ lệ thiếu vitamin D của trẻ em tiểu học khá cao dao động từ 46-58%.
Kết quả điều tra về tình trạng thiếu đa vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ tại các vùng nông thôn Việt Nam 2008 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm, selenium, magnesium ở mức cao tương ứng 86,9%, 62,3% và 51,9%. Thiếu đồng thời từ 2 vi chất dinh dưỡng trở lên chiếm tới 79,4% số trẻ. Trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ cao bị thiếu vi chất dinh dưỡng, nghiên cứu trên trẻ 6-36 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi cho thấy những trẻ này có tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A và thiếu kẽm là 40,9%; 27,2% và 40,0%.
Việc nghiên cứu và bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp vào sữa học đường là hướng đi cấp bách để cải thiện được các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ mẫu giáo, tiểu học.