Sớm dự báo, nên Việt Nam đã tránh được một phần hậu quả của bão lũ vừa qua
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành Nông nghiệp đã phải chịu rủi ro “kép” |
Liên quan đến phát triển rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, cả nước có tổng diện tích rừng là 14,6 triệu héc-ta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu héc-ta, rừng trồng là 4,3 triệu héc-ta. Đây là cố gắng vượt bậc, bởi vì năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu héc-ta rừng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm (Ảnh: Quốc hội) |
“Trong vòng 30 năm, một đất nước mà GDP còn thấp như vậy, chúng ta đã quyết tâm xây dựng nền kinh tế bền vững, coi phát triển rừng là tất yếu để bảo vệ môi trường. Hệ số che phủ rừng hiện đạt gần 42%, trong khi trung bình của thế giới chỉ có hệ số che phủ rừng là 29%”, ông Cường nói
Về rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn có chính sách để giữ rừng như tăng chế độ khoán cho người dân. Cùng với đó là chính sách chi trả môi trường rừng, mỗi năm xã hội hóa được 3.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa.
Về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 400.000 ha đất trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng thuỷ sản, cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long.
Các cấp lãnh đạo cũng tập trung chỉ đạo liên tiếp với các chính sách chuyển đổi để ứng phó với tình trạng nước biển dâng, mưa bão ngày một nghiêm trọng hơn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, vì sớm dự báo những tác động lớn của biến đổi khí hậu nên Việt Nam đã tránh được một phần hậu quả của bão lũ vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng với áp dụng khoa học công nghệ và kinh nghiệm của dân gian, chúng ta sẽ thực hiện phương châm “Thủy Tinh dâng đến đâu thì Sơn Tinh dâng đến đấy để thích ứng”.