Số cơn bão được đặt tên trong năm nay đã phá kỷ lục
Nhiều cơn bão bất thường trong năm
Tại Đại Tây Dương, các cơn bão sẽ được đặt tên khi tốc độ gió vượt quá 62km/giờ. Những cơn bão này đã khiến hàng nghìn người phải sơ tán và gây ra thiệt hại gần 20 tỷ USD.
Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, Theta là cơn bão nhiệt đới thứ 29 được đặt tên từ đầu năm đến nay đã đánh bại kỷ lục 28 cơn bão được ghi nhận vào năm 2005.
Thậm chí, NHC đã buộc phải chuyển sang bảng chữ cái Hy Lạp sau khi những cơn bão năm 2020 làm cạn kiệt danh sách các tên bằng chữ cái Latin. Theo dự báo, cơn bão thứ 30 đang hình thành và sẽ được đặt tên trong 5 ngày tới.
“Số cơn bão đã vượt qua sự tưởng tượng, tôi nghĩ mọi người cũng ngạc nhiên bởi số lượng cơn bão xuất hiện trong năm nay”, Jill Trepanie, chuyên gia về thời tiết cực đoan, Đại học Louisiana, Mỹ cho biết.
Bão Eta gây mưa lớn, lũ lụt và lở đất nghiêm trọng tại Trung Mỹ (Ảnh: Getty) |
Các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu đang làm tăng nhiệt độ đại dương, khiến các cơn lốc xoáy mạnh hơn. Bên cạnh đó, sự gia tăng các cơn bão được đặt tên vào năm 2020 cũng có thể liên quan đến việc giảm thiểu ô nhiễm không khí trong khu vực trung tâm Đại Tây Dương kể từ những năm 1980 cũng như chu kỳ hiện tượng La Nina.
La Nina là hiện tượng nước biển lạnh hơn so với bình thường. Nó trái ngược hoàn toàn với hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên). La Nina thường xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc. Năm 2019, El Nino diễn ra khiến nhiệt độ nhiều nơi trên Trái Đất cao kỷ lục thì năm 2020 lại hứng chịu La Nina.
“Khi nhiệt độ trái đất ở Đại Tây Dương ấm lên, các cơn bão nhiệt đới và siêu bão sẽ trở nên mạnh hơn. La Nina xuất hiện sẽ tác động biến đổi khí hậu trầm trọng hơn và dẫn tới mùa bão có sức tàn phá lớn như hiện nay”, ông Michael Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất thuộc Đại học quốc gia Pennsylvania (Mỹ) cho biết.
Trên toàn cầu, khi nhiệt độ đại dương tăng cùng với biến đổi khí hậu đã xảy ra một mô hình rõ ràng về cường độ bão nhiệt đới ngày càng tăng trong những thập kỷ gần đây. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy tỷ lệ các cơn bão mạnh nhất đang tăng trung bình khoảng 8% trong một thập kỷ.
Bão Eta, đổ bộ vào Trung Mỹ trong tháng này, khiến ít nhất 130 người thiệt mạng. Eta nằm trong số những cơn bão tháng 11 mạnh nhất từng được ghi nhận. Ngoài ra, có tới 9 cơn bão nhiệt đới trong năm nay có cường độ gia tăng nhanh chóng, gây khó khăn cho công tác dự báo và chuẩn bị ứng phó.
Một tháng dồn dập 4 cơn bão
Tại Châu Á, tình hình cũng không khả quan hơn. Từ đầu năm, các cơn bão hoành hành tại nhiều khu vực đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa và hàng nghìn người thiệt mạng.
Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự báo đến năm 2050, 75% lượng vốn toàn cầu đối mặt rủi ro vì lũ lụt liên tiếp xảy ra ở Châu Á. Trong đó, tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng duyên hải0 Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Siêu bão Goni đổ bộ vào Philippines đầu tháng 11 (Ảnh: Reuters) |
Năm ngoái, một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Nature Communications ước tính khoảng 300 triệu người ở những vùng có thể xảy ra lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra vào năm 2050. Phần lớn, những vùng dễ bị tổn hại nhất là các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.
Năm nay, Philippines cũng phải hứng chịu siêu bão Goni. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines kể từ khi hứng bão Haiyan khiến hơn 6.300 người thiệt mạng vào năm 2013. Goni là cơn bão nhiệt đới thứ 18 đổ bộ vào Philippines và cũng là cơn bão mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Riêng trong tháng 10/2020 đã có 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo thống kê của cơ quan dự báo quốc gia, trong lịch sử, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới tương tự như vậy chỉ xảy ra vào tháng 10/1983.
Báo cáo của Liên hợp quốc mới đây cũng cho biết, thế giới đang đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng trong 20 năm qua. Trong đó, Châu Á bị tác động mạnh nhất. Các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, lũ lụt và bão sẽ trở nên phổ biến hơn ở Châu Á.
Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, bà Mami Mizutori cảnh báo, đại dịch Covid-19 với những tác động nghiêm trọng nhưng thảm họa thiên tai còn tàn khốc hơn nhiều lần.
Biến đổi khí hậu gây mưa lũ liên tiếp ở Châu Á TTTĐ - Từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Việt Nam, hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn tính mạng và ... |
Biến đổi khí hậu có thể làm bùng phát dịch bệnh mới… TTTĐ - Các virus không hoạt động lâu nay bỗng quay trở lại hay sự bùng phát của bệnh đậu mùa, sốt xuất huyết, zika ... |
Khu vực nào chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu TTTĐ - Châu Á sẽ là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu so với các khu vực khác ... |