Singapore ghi nhận đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất lịch sử
Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Singapore trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang ra sức đẩy lùi đại dịch Covid-19 (Ảnh: CNN)
Bài liên quan
WHO cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát toàn cầu
Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết
Đông Nam Á - điểm nóng của dịch sốt xuất huyết
Tăng cường các biện phát phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika
Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh
Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) dự tính đến cuối năm nay con số này sẽ vượt qua con số kỷ lục của năm 2013 là 22.170 trường hợp. Nếu năm 2013, quốc đảo này có 8 người chết vì sốt xuất huyết thì nửa đầu năm nay con số này đã tăng gấp đôi với 16 ca.
Bên cạnh đó, hội tụ của thời tiết mưa, nóng ẩm và sự hoán chuyển của dòng muỗi gây sốt xuất huyết từ DENV-2 sang DENV-3 cùng việc nhiều người ở nhà cả ngày trong thời gian giãn cách xã hội chống đại dịch Covid-19 đã góp phần gây bùng phát dịch sốt xuất huyết trong những tháng gần đây.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn (Aedes aegypti) lây truyền virus Dengue gây ra. Cũng theo thống kê của NEA, Singapore đang chứng kiến sự gia tăng của chủng virus sốt xuất huyết 3 (DENV-3 - chủng hiếm gặp). Trong 30 năm qua, virus DENV-3 hiếm khi xuất hiện trong các ca mắc sốt xuất huyết tại quốc đảo này.
Trước tình hình bùng phát dịch sốt xuất huyết, Singapore đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp. Các bệnh viện đã được chuẩn bị sẵn sàng để có thể xử lý số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng cao. Người dân được khuyến cáo tăng cường vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, không để nước tù đọng.
Singapore tăng cường tiến hành khử trùng phun thuốc nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lây lan (Ảnh: CNN) |
Các khu dân cư đã chủ động tăng cường vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi, tiến hành kiểm tra cũng như giáo dục nâng cao ý thức cho người dân.
Bên cạnh đó, đảo quốc sư tử cũng đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm. Theo đó, kể từ ngày 15/7, các hộ gia đình và cá nhân bị phát hiện có hành vi để muỗi sinh sản ở nhà thì sẽ bị phạt nặng hơn trước. Cụ thể, chính quyền sẽ phạt từ 200 - 300 SGD (3,3 - 5 triệu VNĐ) cho lần vi phạm đầu tiên và phạt tới 5.000 SGD (khoảng 83 triệu VNĐ) và có thể bị tù 3 tháng cho lần vi phạm thứ ba trở lên.
Các công trường xây dựng để phát sinh các ổ muỗi sinh sản cũng sẽ bị phạt ở mức từ 3.000 cho tới 20.000 SGD (khoảng 50 - 330 triệu VNĐ) và phạt tù 3 tháng đối với người có trách nhiệm, tùy theo mức độ vi phạm.
Gánh nặng sức khỏe toàn cầu
Tổ chức Y tế liên Châu Mỹ (PAHO) dự báo tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết trong năm 2020 ở mức cao. Số lượng bệnh nhân có thể lấp đầy các phòng chăm sóc tích cực nhanh chóng, khiến nhiều người thiệt mạng ngay cả khi dịch Covid-19 không xuất hiện.
Tại Mỹ - Latinh, dịch sốt xuất huyết bùng phát từ cuối năm 2018 vẫn còn hiện hữu. Theo PAHO, số ca nhiễm tại Châu Mỹ lên đỉnh lịch sử 3,1 triệu người trong năm 2019, hơn 1.500 trường hợp tử vong ở Mỹ - Latinh và vùng Caribe.
Bác sĩ Jaime Gomez, làm việc tại bệnh viện ở Floridablanca, tỉnh Santander, Colombia, chia sẻ: “Covid-19 đang là tâm điểm, do đó toàn bộ sự chú ý được dồn về đại dịch này. Tuy nhiên, sốt xuất huyết cũng là một rắc rối”.
Mặc dù trên thực tế, hơn 100 quốc gia có nguy cơ lây nhiễm nhưng 70% số ca mắc là ở Châu Á. Điều kiện khí hậu, môi trường gia tăng vật liệu phế thải, các dụng cụ chứa nước, định cư đô thị không có kế hoạch và đô thị hóa nhanh chóng có thể dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của muỗi, đặc biệt là ở khu vực thành thị và bán thành thị.
Từ đầu năm đến nay, quốc gia vạn đảo Indonesia cũng ghi nhận hơn 68.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết do muỗi truyền, với ít nhất 349 trường hợp tử vong.
Sốt xuất huyết cũng có thể tạo thành đại dịch (Ảnh: Reuters) |
Tuy số lượng ca mắc sốt xuất huyết thấp hơn mức 98.000 trường hợp cùng kỳ năm ngoái nhưng vấn đề đáng quan ngại là số ca mắc đang tiếp tục tăng lên dù tháng cao điểm 3, 4 của dịch bệnh đã đi qua.
Theo thông báo của Bộ Y tế Lào, tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia này đã có ít nhất 7 ca tử vong do sốt xuất huyết trong tổng số hơn 2.000 trường hợp mắc trên cả nước.
Hằng năm, vào mùa mưa, dịch bệnh sốt xuất huyết lại xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước Lào, gây ảnh hưởng lớn đời sống và sức khỏe của người dân. Hiện, 17/18 tỉnh, thành phố của Lào đều có người sốt xuất huyết.
Dịch sốt xuất huyết hoành hành tại miền Đông Bắc Thái Lan cũng đã làm 2 người tử vong và hơn 1.000 người mắc bệnh kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã gây áp lực không nhỏ tới các nỗ lực ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết. Hệ thống giúp giám sát ấu trùng muỗi đã không phát huy được vai trò trong bối cảnh tất cả nguồn lực đang dành cho việc ứng phó đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các biện pháp cách ly xã hội cũng hạn chế sự di chuyển của các nhân viên y tế đến từng nhà và phân phối thuốc diệt muỗi cho cư dân.
Sốt xuất huyết là bệnh giống như cúm nặng, đôi khi gây ra biến chứng nguy hiểm tiềm tàng gọi là bệnh sốt xuất huyết nặng. Sốt xuất huyết cũng có thể tạo thành đại dịch.
Tỷ lệ mắc đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây với khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc. Ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới mỗi năm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận đã tăng hơn 15 lần trong hai thập kỷ qua, từ trên 500 nghìn trường hợp năm 2000 lên hơn 2,4 triệu trường hợp trong năm 2010 và 3 triệu trong năm 2015. Số ca tử vong năm 2000 là 960 trường hợp, tăng lên 4.032 trường hợp vào năm 2015.
Năm 2019 vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết được báo cáo trên toàn cầu là cao nhất. Hầu hết tất cả các khu vực đều bị ảnh hưởng và lần đầu tiên bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận ở Afghanistan. Riêng khu vực Châu Mỹ đã báo cáo 3,1 triệu trường hợp, với hơn 25.000 ca được coi là nghiêm trọng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội đã ghi nhận ít nhất 155 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại nhiều quận huyện.
Tại nước ta, sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa mưa. Những ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là mối nguy cơ dịch chồng dịch. Do vậy, chúng ta cần có những biện pháp phòng, chống kịp thời.