Siêu biến thể Omicron khiến cuộc chiến chống Covid-19 thêm khó khăn
Các nhà khoa học đang khẩn trương giải mã biến thể Omicron (Ảnh: AP) |
Omicron là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau siêu biến thể Delta. “Bằng chứng sơ bộ cho thấy, nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các chủng khác”, WHO cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Nam Phi, trong số 50 đột biến của Omicron có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào, nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới.
Nhiều đột biến của biến thể mới có liên quan đến việc tăng khả năng kháng kháng thể của virus, tức là có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin và ảnh hưởng đến cách virus phản ứng đối với vắc xin, phương pháp điều trị và khả năng lây truyền. Giới khoa học Nam Phi nhận định rằng Omicron là “biến thể đáng sợ nhất” mà họ từng biết tới từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11/2021, đến nay biến thể Omicron đã xuất hiện tại Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc), Israel và nhiều quốc gia tại Châu Âu. Riêng tình hình ở Nam Phi được coi là đáng lo ngại khi đã ghi nhận hơn 100 trường hợp dương tính với biến thể này. Đặc biệt, Omicron lây lan nhanh chóng trong giới trẻ ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Nam Phi. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 thấp nhất tại nước này.
Hiện các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu cách thức lây lan của biến thế mới và tác động của nó đến các phương pháp điều trị và vắc xin hiện nay. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang lựa chọn hành động phản ứng ngay lập tức với biến thể mới bằng các lệnh cấm đi lại và kiểm dịch nhằm hạn chế Omicron lây lan, thay vì chờ đợi nghiên cứu được hoàn tất.
Hàng loạt quốc gia từ Mỹ, Anh, Nga, Canada, Israel cho tới Liên minh Châu Âu, Châu Á (Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ…) đã thực hiện các biện pháp siết xuất nhập cảnh và cách ly, xét nghiệm người về từ Châu Phi.
Nhiều nước phát hiện các ca mắc biến thể Omicron (Ảnh: AFP) |
Một số nước đã áp đặt lại các biện pháp hạn chế để cố gắng ngăn chặn dịch lây lan. Áo và Slovakia đã bắt đầu phong tỏa để kiểm soát dịch. Chính phủ Bỉ yêu cầu các hộp đêm phải đóng cửa và khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể.
Nhằm giảm sức ép cho các bệnh viện đang quá tải, không quân Đức đã lần đầu tiên dùng máy bay trang bị các giường chăm sóc đặc biệt (ICU) để vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng. Các máy bay này được trang bị tối đa 6 giường ICU để vận chuyển bệnh nhân Covid-19 đến những bệnh viện trên toàn quốc. Những chiếc máy bay có giường ICU đầu tiên đã hoạt động hôm 27/11 giữa các thành phố tại bang Bavaria.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng phải hoãn Hội nghị Bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 29/11 do sự xuất hiện của biến thể này. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng cảnh báo nguy cơ từ “cao” tới “rất cao” của biến thể Omicron sẽ lan rộng ra Châu Âu. Theo đó, ECDC kêu gọi các nước thành viên tiến hành phân tích chuỗi gene và truy vết những ca nhiễm biến thể mới, đồng thời hối thúc người dân tránh du lịch tới các khu vực bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU), bà Ursula von der Leyen, cho rằng EU cần phải hành động nhanh và dứt khoát; Đồng thời kêu gọi công dân của khối này tăng cường tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Hiện tại vẫn còn quá sớm để biết liệu Omicron có gây ra những hậu quả nghiêm trọng như biến thể Delta hay không. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới nên chuẩn bị cho việc một lần nữa đón Giáng sinh và năm mới trong trạng thái hạn chế hoặc phong tỏa.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị mọi người nên tiếp tục tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người trong không gian kín và thực hiện các biện pháp phòng dịch cấp thiết khác.
Tỷ lệ tiêm chủng gần 90%, Ireland vẫn tái áp đặt các biện pháp hạn chế |
Các nước trên thế giới thực hiện cách ly F1 tại nhà như thế nào? |
Châu Âu đứng trước nguy cơ làn sóng dịch mùa Đông |