"Siết" chỉ tiêu, bỏ xét tuyển sớm: Giảm cơ hội hay tăng công bằng?
Giám sát chặt chẽ, quyết liệt, khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu Trường Đại học Việt Nhật tuyển sinh 450 chỉ tiêu đại học chính quy |
Giúp học sinh có tâm lý học hành nghiêm túc
Trong những năm qua, việc xét tuyển sớm đã trở thành một xu hướng phổ biến tại nhiều trường đại học. Vì thế, khi "siết" chỉ tiêu xét tuyển sớm đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng, giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm khiến không ít học sinh vất vả hơn khi vào những ngành học mình yêu thích. Tuy nhiên cũng có người cho rằng, điều này giúp học sinh có tâm lý học hành nghiêm túc đến khi tốt nghiệp THPT.
"Siết" chỉ tiêu xét tuyển sớm đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh |
Đã cho con ôn thi các kỳ thi để xét tuyển sớm vào đại học từ 2 năm nay, chị Trần Mai Thanh (Phúc La, Hà Đông) chia sẻ: “Cả tôi và con đều đã xác định con đường xét tuyển sớm để tăng cơ hội vào những ngành “hot” của các trường đại học hàng đầu. Nếu giảm chỉ tiêu như thế này, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, con sẽ phải nghiêm túc, học hành vất vả hơn”.
Anh Nguyễn Đình Thi ở quận Long Biên đang có con học lớp 12 lại cho rằng, bỏ xét tuyển sớm và "siết" chỉ tiêu tuyển sinh sớm sẽ tạo ra một môi trường tuyển sinh công bằng hơn. Việc chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp cũng giúp giảm thiểu tình trạng “chạy theo thành tích”, nơi mà các trường học tập trung vào việc giúp học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi riêng.
Ở góc độ giáo viên THPT, cô Hồ Thị Xuân Thu, trưởng nhóm Sử - Địa - Giáo dục Công dân, Trường TH, THCS, THPT Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm nên bỏ hẳn xét tuyển sớm để đảm bảo công bằng cho học sinh cả nước, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa. Việc nhiều trường xét tuyển sớm bằng học bạ những năm qua đã gây ra những tiêu cực trong quá trình dạy và học, thậm chí là tiêu cực để “làm đẹp” học bạ.
Tạo sân chơi công bằng
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường Đại học như: Bách khoa Hà Nội, Kinh Tế Quốc dân, Y Hà Nội, Luật thành phố Hồ Chí Minh… đã thông báo bỏ phương án xét tuyển bằng kết quả học tập, học bạ bậc trung học phổ thông.
TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, nhiều năm nay việc xét tuyển sớm của các cơ sở giáo dục đại học đã trở nên phổ biến, trong các phương thức xét tuyển sớm có phương thức xét tuyển theo học bạ THPT.
Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu hạn chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, thí sinh sẽ gặp khó khăn hơn khi thi vào các nhóm ngành "hot" (Ảnh minh họa) |
“Thông thường các trường sẽ dành một số chỉ tiêu nhất định từ 20%-50% cho phương thức này, tuy nhiên do hiện tượng ảo nên các trường sẽ phải lấy số đủ điều kiện trúng tuyển gấp nhiều lần chỉ tiêu đã xác định.
Do không kiểm soát được mong muốn thực sự của thí sinh và các điều kiện khách quan khác dẫn đến hiện tượng số trúng tuyển cao hơn nhiều số chỉ tiêu ban đầu, thậm chí chiếm toàn bộ chỉ tiêu cho các phương thức khác và các trường bắt buộc phải giảm chỉ tiêu đối với các phương thức khác như xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, điều này khiến điểm chuẩn THPT được đẩy lên rất cao gây mất công bằng trong tuyển sinh”, TS. Phạm Thanh Hà nói.
Vì thế, TS Phạm Thanh Hà cho rằng, Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh 2025 đã hướng tới việc xử lý vấn đề trên bằng cách quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% và số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố. Với quy định này số thí sinh trúng tuyển sớm bằng xét tuyển học bạ THPT của các trường sẽ rất thấp.
“Quy định này sẽ không ảnh hưởng đến các trường lớn, các trường bề dày đào tạo nhưng các trường ở địa phương, một số trường tư thục sẽ có những khó khăn nhất định.
Tôi cho rằng Bộ có thể vẫn sẽ để các trường xét tuyển sớm nhưng sẽ dành cho các thí sinh có năng lực vượt trội, còn việc xét tuyển sớm theo phương thức phương thức xét tuyển học bạ THPT sẽ không còn hiệu quả vì bị ràng buộc bằng chỉ tiêu, số lượng thông báo trúng tuyển như đã trao đổi ở trên, do đó nhiều trường sẽ bỏ phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ THPT”, TS Phạm Thanh Hà nhận định.
Việc "siết" chỉ tiêu và bỏ xét tuyển sớm có thể mang lại cả cơ hội và thách thức cho học sinh. Dù điều này làm giảm cơ hội cho không ít học sinh có năng lực nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, đây là bước đi cần thiết để tạo ra một môi trường tuyển sinh công bằng hơn.