Siết chặt quản lý kinh doanh, quảng cáo thuốc lá điện tử
Toàn cảnh hội thảo “Tình hình vi phạm quảng cáo, buôn bán và kinh doanh bất hợp pháp thuốc lá điện tử” chiều 10/8 |
Thuốc lá điện tử ít hại cho sức khỏe?
Thuốc lá điện tử đang có xu hướng được sử dụng ngày một tăng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đáng nói, đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ.
Nghiên cứu về thuốc lá điện tử với thanh thiếu niên từ 15 – 24 tuổi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2020 của Hội Y tế công cộng Việt Nam cho thấy, 37,8% thanh thiếu niên hiểu biết sai lầm rằng, thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, 23,5% cho rằng thuốc lá điện tử an toàn hơn đồng thời làm giảm nguy cơ ung thư so với thuốc lá truyền thống. Thực tế, WHO chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống.
Nghiên cứu cũng cho thấy, người trẻ thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng.
Thuốc lá điện tử phổ biến trong giới trẻ, một phần do các đặc điểm thiết kế hấp dẫn như hình dạng USB, có nồng độ nicotine cao và khói gần như không nhìn thấy. Bên cạnh đó, các công ty thuốc lá sử dụng nhiều chiêu trò hấp dẫn để quảng cáo thuốc lá điện tử như sử dụng những người có ảnh hưởng trong giới trẻ để kích thích, lôi kéo sử dụng trong cộng đồng thanh niên, thúc đẩy “bình thường hóa”, chấp nhận các sản phẩm thuốc lá điện tử mới trong giới trẻ.
Theo thống kê, chỉ tính tiêng 6 tháng đầu năm 2020, trên mạng xã hội Facebook đã có tới gần 85.000 tin bài quảng cáo về thuốc lá điện tử.
Bạn Nam (21 tuổi, đang học đại học, một đối tượng được nhóm nghiên cứu phỏng vấn) chia sẻ: “Trước khi hút thuốc lá điện tử thì em biết đến qua thông tin trên mạng Youtube, Facebook. Lúc xem quảng cáo, em thấy ấn tượng là chỉ cần đổ tinh dầu và sạc điện vào là hút được nên em hứng thú, mua về dùng thử”.
Theo bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì hiện các nước có 3 xu hướng quản lý thuốc lá điện tử |
Chia sẻ về tác hại sức khỏe của thuốc lá điện tử tại hội thảo chuyên đề “Tình hình vi phạm quảng cáo, buôn bán và kinh doanh bất hợp pháp thuốc lá thế hệ mới” chiều 10/8, Ths. Nguyễn Tuấn Lâm – Đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho hay, thuốc lá điện tử gây nghiện, ảnh hưởng phát triển não, gây hội chứng tổn thương hô hấp cấp, phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và gây chấn thương nghiêm trọng do nổ pin, đặc biệt là tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trộn lẫn ma túy.
Tăng cường các biện pháp quản lý
Việt Nam đang là một trong những điểm trung chuyển để buôn lậu các sản phẩm thuốc lá điện tử, làm "nóng" từ khu vực Đông Âu và Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc.
Thuốc lá điện tử được đưa vào Việt Nam qua đường xách tay hoặc nhập lậu, gây ra thất thoát đáng kể về thuế cho ngân sách nhà nước. Người sử dụng không được bảo vệ về chất lượng và an toàn của sản phẩm, các nhà sản xuất thuốc lá làm nóng cũng đối mặt với những thách thức về hàng giả trên thị trường.
Chia sẻ về thực trạng mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam, ông Bùi Thế Sơn – giảng viên Đại học Thương mại thông tin, theo luật pháp hiện hành thì thuốc lá điện tử, nung nóng chưa được phép nhập khẩu và bán tại Việt Nam. Dù vậy, các điểm bán thuốc lá điện tử vẫn ngang nhiên được đặt công khai với mật độ dày đặc ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đáng nói, các cửa hàng này được trưng bày, thiết kế bày bán như cửa hàng công nghệ, quán café. Người bán là thanh niên và nữ giới. Người mua đa phần là thanh niên. Câu hỏi đặt ra là, vì sao các điểm bán công khai và rầm rộ như thế, các cơ quan quản lý thị trường lại không thể xử lý dứt điểm được?
Bà Hoàng Thị Thu Hương – Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, để giải quyết tình trạng vi phạm quảng cáo, buôn bán và kinh doanh bất hợp pháp thuốc lá thế hệ mới, chúng ta cần tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của loại thuốc lá này và việc buôn lậu thuốc lá điện tử là vi phạm pháp luật; tăng cường phòng chống buôn lậu, tịch thu bắt giữ, tiêu hủy sản phẩm; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm quảng cáo và kinh doanh thuốc lá điện tử trên thị trường.
Các chuyên gia nhận định, để phòng chống buôn lậu thuốc lá, chúng ta cần đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, nâng cao nhận thức về hệ quả của thương mại không chính thống, đưa ra các giải pháp phù hợp như tăng cường kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật, cũng như xây dựng các quy định phù hợp để quản lý sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì hiện các nước có 3 xu hướng quản lý thuốc lá điện tử. Một là cấm hoàn toàn việc sử dụng, quảng cáo và kinh doanh thuốc lá điện tử để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân (hơn 40 nước cấm); Hai là cho phép sử dụng nhưng quản lý chặt chẽ sản phẩm, hạn chế điểm bán (8 quốc gia); Ba là các nước chưa có cơ chế quản lý cụ thể với các sản phẩm thuốc lá điện tử. Căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, luật pháp của mỗi quốc gia mà có hướng quản lý phù hợp. Tại Việt Nam, do năng lực quản lý kết hợp với mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì hiện chúng ta đang cấm hoàn toàn. Mấu chốt là chúng ta cần tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra ngay từ thuốc lá nhập lậu, kinh doanh và quảng cáo trên mạng. Song song đó, chúng ta cần đổi mới phương pháp, cách thức truyền thông để tiếp cận và truyền tải được thông điệp hiệu quả hơn.
“Nếu chúng ta áp dụng và triển khai biện pháp xử phạt đúng luật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như cách xử phạt với những người uống rượu bia khi lái xe cùng sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, cơ quan quản lý các cấp thì chắc chắn chúng ta xử lý được vi phạm triệt để vi phạm về kinh doanh thuốc lá điện tử”, bà Trang nhấn mạnh.