Sẵn sàng tâm lý, mạnh mẽ dấn thân trước cơ hội nghề nghiệp
Đại diện các nhà tuyển dụng chia sẻ về nghề Công tác xã hội tại “Tọa đàm định hướng nghề nghiệp” do khoa CTXH, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức
Để giúp sinh viên ngành công tác xã hội (CTXH) có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp cũng như các cơ hội về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, ngày 29/5, khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã tổ chức chương trình “Tọa đàm định hướng nghề nghiệp” cho tương lai.
Buổi tọa đàm cũng định hướng cho sinh viên một cách phù hợp và khoa học trong việc nỗ lực học tập, phấn đấu để đạt được kết quả tốt nhất, trang bị những kiến thức, thái độ, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của một nhân viên công tác xã hội. Đồng thời, chương trình cũng giúp cho học sinh THPT, phụ huynh có nhu cầu tìm hiểu về ngành CTXH có thêm thông tin và định hướng cho sự lựa chọn ngành học, cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân.
Các cựu sinh viên khoa CTXH, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm về nhân sự và lĩnh vực công tác xã hội |
Với chủ đề định hướng nghề nghiệp dành cho sinh viên, các khách mời đến từ cơ quan đối tác đã cùng chia sẻ, bàn luận về vai trò của ngành CTXH trong các lĩnh vực cụ thể cũng như những cơ hội việc làm cho sinh viên ở các lĩnh vực này trong điều kiện hiện nay. Tại buổi tọa đàm, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã gửi thông điệp “chủ động, thử sức với các cơ hội nghề nghiệp” tới đoàn viên, thanh niên, sinh viên toàn trường.
Các nhà tuyển dụng đều nhận thấy sinh viên CTXH có cơ hội rộng mở trong tất cả các lĩnh vực khác nhau. Quan trọng hơn cả đó là sinh viên có biết “nắm” và “bắt” cơ hội đó hay không. Điều này do chính các sinh viên quyết định.
Nhiều chuyên gia, giảng viên CTXH đã tham gia chia sẻ tại chương trình tọa đàm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên |
Những đơn vị tham gia tọa đàm như: Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), Công ty CP Quốc tế Nhân Ái, Trung tâm CTXH Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Trung tâm CTXH Bệnh viện Lão khoa, Công ty CP Trí Việt… đều có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH. Do vậy, để biến cơ hội thành hiện thực, sinh viên CTXH cần chuẩn bị sẵn sàng kiến thức chuyên môn và trang bị các kỹ năng mềm, ngoại ngữ… đón bắt cơ hội.
Tại chương trình, Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội mong rằng hoạt động liên kết của khoa CTXH với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở tuyển dụng cần được đẩy mạnh hơn nữa để nắm bắt kịp thời và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học và yêu cầu của nhà tuyển dụng.
“Trên chặng đường phát triển, khoa CTXH, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xác định việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cho lĩnh vực CTXH các cấp, ngành, địa phương trong cả nước. Do vậy, liên tiếp trong các năm vừa qua, khoa đã luôn chú trọng tổ chức các chương trình định hướng nghề nghiệp cho sinh viên nhằm kết nối các bạn trẻ với thị trường lao động, các nhà tuyển dụng; Đồng thời tạo động lực học tập cũng như kết nối các cơ hội việc làm cho sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường”, Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng khoa CTXH chia sẻ.
Chương trình tọa đàm đã giúp nhiều sinh viên tiếp cận thông tin về nghề nghiệp, đơn vị tuyển dụng và định hướng thị trường lao động trong thời gian tới |
Một trong những điểm nhấn của chương trình học tập tại khoa CTXH, Đại học Sư phạm Hà Nội là cơ hội nhận học bổng chương trình hợp tác trao đổi sinh viên quốc tế tại các trường CTXH ở Bỉ, Australia, Thụy Điển, Mỹ… Hằng năm, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội đều có cơ hội học tập và trải nghiệm tại các môi trường giáo dục ở các quốc gia phát triển này. Nhiều sinh viên nhận học bổng ASEM DUO đã có những trao đổi sau quá trình học tập, trải nghiệm cùng các bạn sinh viên quốc tế tại Đại học Artevelde (Vương quốc Bỉ).
Chia sẻ từ thực tế làm việc với sinh viên CTXH, ông Lê Ngọc Bảo, chuyên gia bảo vệ trẻ em của tổ chức ChildFund cho rằng, kiến thức chuyên môn là thế mạnh của sinh viên CTXH khi làm việc trong lĩnh vực phát triển con người. Tuy nhiên, kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ và kiên nhẫn là chìa khoá thành công cho cơ hội nghề nghiệp tại các tổ chức quốc tế, NGO. Các sinh viên cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý và dấn thân khi làm việc với những đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, sinh viên CTXH tại Đại học Sư phạm Hà Nội đã mang tới luồng gió mới, niềm vui cho các thân chủ, các đối tượng cần tư vấn, bảo vệ và những người yếu thế trong xã hội. Bài học kinh nghiệm từ quá trình tuyển dụng nhân viên của thạc sĩ, bác sĩ Trương Tố Quyên, Phó Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Châm cứu Trung ương là, sinh viên cần nâng cao thực hành kỹ năng giao tiếp trong quá trình viết mail, viết đơn xin việc, tương tác với nhà tuyển dụng và phỏng vấn.
Khoa CTXH ký kết hợp tác với Công ty CP Trí Việt |
Đặc biệt, tại chương trình, ông Đào Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Trí Việt đã giới thiệu chương trình tuyển dụng trợ giảng, giáo viên kỹ năng sống tại công ty với hỗ trợ phù hợp để phát triển chuyên môn, kỹ năng cho sinh viên. Đây là cơ hội tuyệt vời cho sinh viên CTXH được thử sức ngay từ năm thứ hai đại học mà không cần phải chờ đến khi tốt nghiệp ra trường.
Các đơn vị tuyển dụng đã có những chia sẻ rất sâu sắc, gắn với thực tế, giúp sinh viên có những kinh nghiệm quý báu, mở ra định hướng cụ thể trong lựa chọn công việc tương lai của mình.