Sẵn sàng mọi phương án cho kỳ thi THPT quốc gia 2020
Việc học trực tuyến kéo dài khiến học sinh lớp 12 không khỏi lo lắng khi kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Đề thi minh họa THPT quốc gia 2020: Phù hợp với tinh thần “giảm tải”
Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa các môn thi THPT quốc gia năm 2020
Thi THPT quốc gia 2020: Hủy kết quả toàn bộ bài thi của thí sinh bị đình chỉ
Học sinh lo lắng
Theo điều chỉnh mới nhất của Bộ GD&ĐT, năm học 2019 - 2020 sẽ kết thúc trước ngày 15/7/2020. Theo đó, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11/8/2020. Các em học sinh khối 12 trên cả nước chỉ còn 4 tháng ôn luyện kiến thức để tham dự kỳ thi quan trọng này.
Bày tỏ nỗi lo khi kỳ thi đang đến gần, em Nguyễn Minh Đức (học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên ngay sau kỳ nghỉ Tết việc học ở trường của chúng em bị gián đoạn. Học trên truyền hình và học trực tuyến tuy giúp chúng em đảm bảo được sức khỏe nhưng đây lại là một cách học mới. Bản thân em cảm thấy chưa thực sự quen với phương pháp học này nên hiệu quả đạt được không thể được như học trực tiếp trên lớp”.
Theo Đức, khó khăn nhất là việc học không có sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò nên trao đổi thông tin bị hạn chế. “Em phải ghi chép rất cẩn thận lại các nội dung bài học, sau đó hỏi lại thầy cô sau đó để không bị “lỡ nhịp”. Khoảng thời gian này những năm trước hầu hết học sinh lớp 12 đã cơ bản hoàn thành kiến thức, chuyển sang giai đoạn luyện đề nên em lại càng căng thẳng, lo lắng hơn”, Đức bày tỏ.
Không được đi học để trao đổi trực tiếp với thầy cô, nhiều học sinh đã nghĩ ra cách tổ chức học nhóm cùng nhau để tiện trao đổi. Trần Minh Nguyệt (trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc học online là giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, để học online có hiệu quả rất cần có sự chủ động từ người học. Chúng ta phải chủ động tiếp nhận kiến thức, thời gian tự học nhiều hơn. Lượng kiến thức lớn cũng rất dễ khiến chúng em căng thẳng, mất tập trung”.
Nếu đi học lại trước ngày 15/6, học sinh vẫn thi THPT quốc gia
Chia sẻ khó khăn với học sinh cuối cấp, cô Nguyễn Thị Hòa (giáo viên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Việc học sinh lo lắng, căng thẳng trước kỳ thi THPT quốc gia là điều dễ hiểu. Đặc biệt là với năm học 2019 - 2020, thời gian học tập của các em bị gián đoạn nhiều vì dịch bệnh. Chắc chắn việc học online không thể đạt được hiệu quả như học trực tiếp. Tuy nhiên đây là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện tại”.
Định hướng cho học sinh phương pháp học online hiệu quả, cô Hòa cho rằng: Học online không thể thiếu được 3 yếu tố. Đó là sự tự giác của bản thân các em, sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô cũng như đồng hành của phụ huynh.
"Tuy các em học sinh không được lên lớp nhưng đổi lại sẽ có nhiều thời gian để tự học, đây là điều mỗi em cần tận dụng tối đa. Để có được mức điểm khá thì giai đoạn cận kề thời điểm ôn thi nước rút này, học sinh cần tập trung ôn chắc phần cơ bản, tránh việc sa đà vào học quá nhiều kiến thức khó", cô Hòa nhấn mạnh.
Còn theo thầy Nguyễn Văn Chính, giáo viên dạy Toán, Hệ thống giáo dục Tuyensinh 147, Bộ GD&ĐT đã công bố những đề thi tham khảo của các môn học, các học sinh nên chủ động theo dõi để tìm hiểu về cấu trúc đề thi, các dạng câu hỏi. Từ đó, các em có thể tự mình hệ thống lại kiến thức biết được điểm yếu của mình để kịp thời ôn luyện.
Thầy Chính nhắn nhủ: "Các em không nên phân tán tư tưởng và quá lo lắng, điều này dễ ảnh hưởng đến việc học. Điều quan trọng nhất là cần đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch, giữ một tâm lý ổn định để sẵn sàng chinh phục kỳ thi".
Chia sẻ trong hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong thời gian nghỉ của học sinh, Bộ GD&ĐT đã tiếp tục có các biện pháp tích cực về phòng chống dịch. Tăng cường truyền thông và yêu cầu các nhà trường chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón học sinh quay trở lại khi dịch được kiểm soát, đồng thời, Bộ đã ban hành chương trình tinh giản, giảm nhẹ nội dung học tập học kỳ II. Theo đó, những nội dung nền tảng, cốt lõi của chương trình học kỳ II vẫn giữ để giúp học sinh hoàn thành chương trình và xét lên lớp theo yêu cầu của chương trình năm học.
“Những vấn đề thiếu vắng trong kiến thức học kỳ II này sẽ được bù vào năm học mới. Tức là khi năm học mới khai giảng sẽ dành 1 - 2 tuần đầu để học sinh học lại những kiến thức đã được học trong học kỳ II”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Trong thời gian học sinh nghỉ học, Bộ có quan điểm “học sinh ngừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Bộ đã đưa ra biện pháp cho học sinh học trực tuyến, học qua internet và học qua truyền hình… Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành phố để thống nhất xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình học trực tuyến như thế nào, học trên truyền hình như thế nào, cách kiểm tra và tổ chức thế nào… Như vậy, học sinh nghỉ học nhưng học sinh vẫn đang học và các thầy cô giáo vẫn đang giảng dạy.
Hiện chương trình học kỳ II được tinh giản và các em học sinh lớp 12, lớp 9 có thể dành nhiều thời gian ôn tập để đảm bảo tiến độ 15/7/2020 hoàn thành chương trình và xét lên lớp, cũng như để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi tham khảo theo chương trình tinh gọn. Các em học sinh trên cơ sở này có thể ôn tập và yên tâm quyền lợi của các em được đảm bảo với mặt bằng kiến thức.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã họp và chuẩn bị phương án cho kỳ thi THPT quốc gia. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Nếu tình hình dịch như hiện nay, học sinh có thể đi học lại vào ngày 30/5 và chậm nhất là 15/6. Bốn tuần còn lại, học sinh sẽ được cô giáo ôn tập sau thời gian học trực tuyến tại nhà và tiến hành kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm. Như vậy, các em vẫn hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, các học sinh lớp 12 sẽ có 3 tuần ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia”.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch kiểm soát được, thời điểm đi học lại chậm hơn 15/6/2020, Bộ GD&ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT quốc gia phù hợp hơn.